Thanh Hóa “lập kỷ lục” mới trong thu ngân sách
Năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các lĩnh vực tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, trong đó có thu ngân sách nhà nước lập kỷ lục mới.
Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025 với nhiều kết quả nổi bật và dự kiến nhiều chỉ tiêu, giải pháp quan trọng.
Báo cáo cho biết tỉnh này có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt mục tiêu đề ra và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%); sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 19,25%, là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh; lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng mạnh như: Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giá trị xuất khẩu, tổng thu du lịch, doanh thu vận tải...
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 19,25%. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động; tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% (trong đó khách quốc tế ước đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7%); tổng thu du lịch vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%; doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%.
Đặc biệt, năm nay 2024, Thanh Hóa thu ngân sách Nhà nước ước đạt 54.341 tỷ đồng (vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ), cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Hoạt động đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, cao hơn 6,2 so với cùng kỳ.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, tăng 3 bậc so với năm 2023; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định; các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách được triển khai kịp thời; sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được thực hiện quyết liệt.
Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh và Cuộc vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực.
Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh đạt kết quả tích cực; thu hút đầu tư gấp 1,3 lần về số dự án và 15,9 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Về hoạt động đầu tư công, tính đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, cao hơn 6,2% so với cùng kỳ...
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh là khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Kết quả đạt được tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền; sự cố gắng của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương và của cả hệ thống chính trị, cùng với đó là sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, ông Thi cũng nêu lên một số những tồn tại, hạn chế như : ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch tuy tăng mạnh, song tỷ lệ khách lưu trú còn thấp.
Mặt khác, chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao; tiến độ của một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công của một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt. Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị vật tư y tế chưa được giải quyết dứt điểm...
Dự báo năm 2025 sẽ có những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Vì vậy các ngành, các địa phương phải tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tạo đà cho việc hoàn tành và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa lưu ý, trong năm 2025 các ngành, địa phương cần tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho Đại hội Đảng các cấp; đồng thời làm tốt nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị hành chính theo kế hoạch; triển khai có hiệu quả chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bệnh hình thức. Bố trí nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Tiếp tục quan tâm làm tốt nhiệm vụ đầu tư công.
Cùng với đó là các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tinh giảm biên chế.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Cũng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.