Thanh Hóa: Long trọng tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024
Sáng 31/3 (tức ngày 22/2 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024, kỷ niệm 1776 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.
Tham dự buổi lễ có bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Đỗ Trọng Hưng, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; bà Phạm Thị Thanh Thủy; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và đông đảo người dân, du khách thập phương.
Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024, kỷ niệm 1776 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước; thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc xứ Thanh; khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong thời kỳ mới.
Sau các nghi thức phần lễ, Bí thư Tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã đánh trống khai hội Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024. Ngay sau đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề: "Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh rạng ngời trang lịch sử", được dàn dựng công phu, nhằm tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh.
Nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (còn gọi là Triệu Trinh Nương, Bà Triệu) sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226 ) tại vùng núi Quan Yên (thuộc huyện Yên Định).
Với lòng căm thù giặc, Bà Triệu đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, được nhân dan khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng. Từ Quan Yên quê nhà, bà đã cùng nghĩa quân vượt sông chu sang núi Nưa (Nông Cống, Triệu Sơn) xây dựng căn cứ, tích lũy lương binh, lập căn cứ lâu dài cho cuộc kháng chiến.
Trước tinh thần kiên trung và khí phách của người con gái mới ngoài 20 tuổi, nhân dân Cửu Chân (Thanh Hóa) đã nô nức ra nhập nghĩa quân của bà. Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân đã tiến đánh các thành ấp của giặc Ngô khiến cho địch từ Thái Thú đến Huyện lệnh và binh lính kẻ bị giết, kẻ phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn…
Cuộc khởi nghĩa của anh em Bà Triệu đã giành được nhiều thắng lợi, làm chấn động Giao Châu, là nỗi khiếp sợ của quân giặc. Sau khi anh trai mất, Triệu Thị Trinh được nghĩa quân tôn làm chủ tướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Bà Triệu cùng tướng sỹ lập căn cứ tại núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) để luyện tập quân sỹ và chống giặc.
Hoảng loạn trước thanh thế và sức mạnh của nghĩa quân Bà Triệu, nhà Ngô đã phái Lục Dân, một tên tướng khét tiếng tàn ác cùng 8.000 quân với nhiều lâu thuyền hùng hổ kéo sang hồng đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trong một trận giao tranh ác liệt, Bà Triệu đã anh dũng quyên sinh trong sự tiếc thương, kính phục của nhân dân, vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248).
Mặc dù cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thất bại nhưng đây là mốc son đỉnh cao khẳng định sự nỗi dậy mạnh mẽ của nhân dân ta ở đầu thế kỷ II-III, thúc đẩy ý chí quật cường cho nhân dân ta với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.
Đã 1776 năm trôi qua, nhưng tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, cùng sự hy sinh anh dũng của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh luôn được nhân dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung tự hào, kính trọng. Đồng thời, những giá trị quý báu của Lễ hội Đền Bà Triệu vẫn luôn được nhân dân gìn giữ, trao truyền và phát huy.
Hàng năm, trong 3 ngày từ 19 đến 22/2 âm lịch, đông đảo du khách thập phương lại tụ về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để được hòa vào Lễ hội Đền Bà Triệu. Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trong không gian rộng theo một quy trình khép kín rất chặt chẽ, với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc và trang trọng, như : Lễ Mộc dục, tế lễ (rước kiệu, tế nữ quan), tế phụng nghinh, rước bóng, hội trận tại đình làng phú Điền…
Lễ hội Bà Triệu nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu gắn với tiềm năng văn hóa du lịch của xứ Thanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách về với khu di tích, về với xứ Thanh địa linh nhân kiệt; qua đó góp phần đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.