Thanh Hóa nằm trong top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước
Thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục trên đà tăng trưởng ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh ước tăng 18,39% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng năm 2004, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,03% so với cùng kỳ, nằm trong 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có những bước tăng trưởng ấn tượng, nằm trong top 10 địa phương nhóm đầu của cả nước: công nghiệp khai khoáng tăng 10,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,16%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà không khí tăng 22,01%; hoạt động cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,67%.
Đáng chú ý, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh trong tháng 7 tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh, như: thuốc lá tăng 57,9%; xăng các loại tăng 44,1%; điện sản xuất tăng 25,9%; tổng sản xuất và phân phối điện tăng 33,0% trong 7 tháng; dầu diesel tăng 24,2%; quần áo tăng 23,5%; giày thể thao tăng 22,3%... Tuy nhiên, một số sản phẩm gặp khó khăn trong tiêu thụ, sản lượng sản xuất giảm so tháng trước, như: bia giảm 9,3%; phân bón giảm 2,1%; xi măng giảm 0,6%.
Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn duy trì sản xuất ổn định; chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP ngày càng được nâng lên. Tình hình cấp điện cơ bản ổn định, đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; sản lượng điện thương phẩm trong tháng 7 ước đạt 807 triệu kWh, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Đây là kết quả đầy thuyết phục, cho thấy nền kinh tế đã phục hồi tích cực và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, khó khăn không phải là không có. Để tạo lực đẩy phát triển sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tìm phương án tháo gỡ, khắc phục.
Đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
Đồng thời, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống, giảm áp lực tồn kho.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.