Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng dân vận ở xã, phường, thị trấn

Địa phương
04:35 PM 28/08/2023

Xác định xã, phường, thị trấn có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính trị, đặc biệt trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, vì vậy những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đạt nhiều kết quả tích cực.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 559 khối dân vận được thành lập tại 559 xã, phường, thị trấn với tổng số thành viên 5.390 người, do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư đảng ủy làm trưởng khối. Toàn tỉnh có 4.248 tổ dân vận với tổng số thành viên là 32.096 người. 

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã lấy "dân vận khéo" làm cẩm nang trong vận động nhân dân hưởng ứng tham gia xây dựng các mô hình kiểu mẫu và XDNTM kiểu mẫu.

Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng "Dân vận" ở xã, phường, thị trấn - Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường giao thông khu dân cư Hải Bình, xã Nga Hải (Nga Sơn) được nhân dân đóng góp tiền, công lao động mở rộng, bê tông hóa và trồng hoa, cây cảnh

Vừa qua, nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác dân vận của hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 862-KL/TU về "Nâng cao chất lượng công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".

Thông qua triển khai thực hiện kết luận nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể trong việc nâng cao chất lượng công tác dân vận xã, phường, thị trấn; tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền, hoạt động của khối dân vận, MTTQ, các đoàn thể cấp xã và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Đồng thời, tập hợp, vận động, huy động sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, bền vững.

"Dân vận khéo" đã trở thành "cẩm nang" giúp cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị của xã Đông Khê huy động nguồn lực trong nhân dân. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, từ xã đến thôn còn công khai cho nhân dân được biết chủ trương, kế hoạch và các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện Đông Sơn về XDNTM kiểu mẫu. 

Sau 1 năm triển khai, nhân dân xã Đông Khê đã chung tay đóng góp 103,391 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng nguồn lực huy động. Trong đó, nhân dân đã hiến 9.560m2 đất và 4.550 ngày công, tương đương 39,605 tỷ đồng, để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống cống rãnh, làm đường hoa; chỉnh trang, xây dựng nhà ở, các công trình phụ trợ với giá trị 65,151 tỷ đồng. Những con số "biết nói" ấy đã khẳng định thành quả của "Dân vận khéo" ở Đông Khê trong huy động nguồn lực từ nhân dân cho XDNTM kiểu mẫu.

Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng "Dân vận" ở xã, phường, thị trấn - Ảnh 2.

Nhân dân thôn 1 - thôn kiểu mẫu của xã Đông Minh chăm sóc hoa và cây xanh ven đường.

Vai trò tham mưu của khối dân vận cơ sở tiếp tục khẳng định ngày càng hiệu quả; hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới; tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong công tác dân vận có nhiều chuyển biến tích cực. 

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đạt nhiều kết quả; thực hành dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Từ kết quả tham mưu triển khai thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương, Phó Bí thư Đảng ủy, trưởng khối dân vận phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) Trần Văn Dũng, chia sẻ kinh nghiệm: Trước tiên, phải có sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các phòng, ban thành phố. Phải thực hiện dân chủ, công khai, thông tin kịp thời về quy mô dự án, phạm vi ảnh hưởng để nhân dân biết. Trong công tác tuyên truyền, vận động phải khẳng định được rõ trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, áp dụng bảng giá đất và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thực hiện dự án...

Tại huyện Ngọc Lặc, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống dân vận, trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, trong tổng số 24 chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ xã Thúy Sơn đề ra, đã có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,6 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,93%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận xã, phường, thị trấn vẫn còn những hạn chế, yếu kém, cần khắc phục. Chất lượng hoạt động của khối dân vận cấp xã chưa đồng đều; công tác dân vận chính quyền chưa có sự chuyển biến rõ nét. Việc nắm bắt tình hình nhân dân, tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết một số vấn đề nổi cộm, phát sinh ở cơ sở có lúc chưa kịp thời. Tỷ lệ thu hút đoàn viên, hội viên nhiều nơi đạt thấp; việc tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở một số nơi còn hình thức, chưa thiết thực, hiệu quả.

Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới, hệ thống dân vận cần kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết một số vấn đề nổi cộm, phát sinh ở cơ sở. 

Triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình "Dân vận khéo"; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể cấp xã. Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của khối dân vận và công tác dân vận ở cơ sở; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy và phát huy vai trò, hoạt động của khối dân vận cấp xã. 

Nâng cao năng lực, trình độ và tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền, hoạt động của khối dân vận, MTTQ, các đoàn thể cấp xã và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thực sự "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân".

PV
Ý kiến của bạn