Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển dịch nhân lực trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, lĩnh vực GDNN cần phải tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm túc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó có giáo GDNN. Cùng với đó, thực hiện Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 30/8/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 05/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, GDNN Thanh Hóa ngày càng được khẳng định và đạt được những kết quả nổi bật.
Đáng chú ý, quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trình độ giảng viên, giáo viên từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác kiểm định chất lượng GDNN được các trường cao đẳng, trung cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; nhiều cơ sở GDNN đã thực sự coi trọng chất lượng đào tạo, từng bước phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Cùng với việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN công lập nhằm giảm sự trùng lắp về ngành, nghề đào tạo; giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể. Sau khi sắp xếp, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 66 cơ sở GDNN (giảm 45 cơ sở GDNN so với năm 2015), gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 24 trung tâm GDNN-GDTX, 7 trung tâm GDNN và 9 cơ sở đào tạo nghề nghiệp khác.
Theo đó, các cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp; mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Chất lượng đội ngũ nhà giáo các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao, cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Tổng số nhà giáo GDNN hiện nay là 1.801 người, trong đó: tiến sĩ 21 người (chiếm 1,17%); thạc sĩ 372 người (chiếm 20,66%); đại học 894 người (chiếm 49,64%), cao đẳng 176 người (chiếm 9,77%); trung cấp và trình độ khác 338 người (chiếm 18,76 %). Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cơ bản được đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và chương trình đào tạo; một số ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0...
Để xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, có khả năng thích ứng nhanh với tư duy đổi mới sáng tạo và môi trường công nghệ hiện đại, các trung tâm đào tạo, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà xưởng, thực hành phù hợp với dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tập trung tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và năng lực người học, kết hợp với các cơ sở thực hành, thực tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.
Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, lựa chọn chương trình đào tạo tiên tiến, gắn với chuẩn đầu ra, trang bị cho lao động những kỹ năng, kiến thức và công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang là những điều kiện cần thiết để tỉnh Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2025 của Thanh Hóa đạt 75%.
Đặc biệt, các ngành nghề trọng điểm được lựa chọn và đầu tư đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn 11 trường cao đẳng, trung cấp công lập báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư 16 ngành, nghề trọng điểm (trong đó có 1 nghề cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ ASEAN và 15 nghề cấp độ quốc gia), gồm các nghề thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng cao như hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may thời trang, công nghệ thông tin, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ khách sạn nhà hàng, dược, điều dưỡng...
Nhiều ngành, nghề 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm như hàn, may thời trang, điện công nghiệp...
Được biết trong những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, trong đó cơ quan Nhà nước đóng vai trò điều phối, là cầu nối liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp.
Triều Nguyệt“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.