Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế
Từ đầu năm đến nay, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng; lạm phát tại nhiều quốc gia ở mức cao đã làm tổng cầu thế giới giảm sút. Với sự chủ động và linh hoạt trong công tác đối ngoại, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thanh Hóa vẫn diễn ra sôi động.
"Hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan, cần chủ động, có lộ trình phù hợp, bước đi tích cực, vững chắc, không do dự, chần chừ, nhưng cũng không nóng vội, giản đơn. Phải tích cực mở rộng thị trường bên ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời phải chủ động mở cửa thị trường trong tỉnh, kể cả thị trường dịch vụ, để thu hút mạnh vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế". Đây là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa - Đỗ Trọng Hưng.
Thời gian vừa qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Sự kiện ngoại giao nổi bật nhất từ đầu năm đến nay phải kể đến là Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 với chủ đề "Thanh Hóa - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững" thu hút 600 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có hơn 300 đại biểu đại diện cho doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
Có thể nói, quy mô của hội nghị đã thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm thúc đẩy kết nối sâu rộng của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản; tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước.
Theo ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: "Thông qua hội nghị ngày hôm nay đã thu hút được rất nhiều đại biểu tham dự. Đặc biệt rất nhiều diễn giả đã tham gia trình bày tại hội nghị với những nội dung có thể nói là rất gần với những vấn đề mà các tổ chức, các nhà đầu tư quan tâm. Tôi nghĩ là tỉnh Thanh Hóa đã chọn lọc những nội dung, những chủ đề rất gần gũi, rất thiết thực đối với các nhà đầu tư. Như vậy, có thể nói là chương trình rất là thành công".
Trong lần về thăm và làm việc tại Thanh Hóa vào hồi tháng 5, trân trọng cám ơn sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa dành cho đoàn công tác, ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng với truyền thống lịch sử, văn hóa, đất và người Thanh Hóa. Đặc biệt cảm ơn sự phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ của tỉnh Thanh Hóa với Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Việt Nam để tổ chức thành công các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa.
Các chuỗi hoạt động trong sự kiện đã được các chính khách và doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đoàn đánh giá cao, tạo ấn tượng sâu sắc về sự tươi đẹp và hiếu khách của Thanh Hóa; mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, giao lưu văn hoá, giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Sau chuỗi hoạt động kỷ niệm, nhiều ý tưởng, chương trình và dự án hợp tác mới, thiết thực và khả thi giữa Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản đã được trao đổi, ký kết và triển khai. Cụ thể là, Tập đoàn Sumitomo Corporation, Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa, Trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp dự kiến dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2025 với tổng số vốn khoảng 9.500 tỷ (hơn 400 triệu USD).
Cũng trong 6 tháng qua, các cơ quan trong tỉnh đã đón tiếp 65 đoàn khách quốc tế với 401 lượt người đến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, nhiều văn bản thoả thoả thuận hợp tác giữa địa phương tỉnh Thanh Hóa với địa phương của các nước, giữa tỉnh Thanh Hóa với doanh nghiệp nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp quốc tế cũng được ký kết, mở ra cơ hội hợp tác phát triển đa phương trên tất các lĩnh vực.
Ông Yeonin Jung, Chủ tịch Doosan Enerbility Co Ltd. Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi là tập đoàn chuyên về năng lượng, do vậy chúng tôi sẽ tập trung vào mảng năng lượng để đầu tư, phát triển. Trong thời gian tới, rất mong được hợp tác với tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực này".
Nhờ tích cực và linh hoạt trong xúc tiến đầu tư nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 9 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9.000 tỷ đồng và 131,43 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7%, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước. Các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,49%; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, dịch vụ vận tải tăng mạnh so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 58% dự toán. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh: PAPI, PAR INDEX, SIPAS đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Tuy số lượng dự án giảm 23,3% so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án tư trong nước tăng tăng gấp 2,2 lần và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn 43,4 triệu USD.
Ông Hirohide Sagara, Tổng Giám đốc Công ty TNHH điện Nghi Sơn 2, Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đang có một mối quan hệ rất tốt với lãnh đạo tỉnh khi luôn đồng hành hỗ trợ với dự án và chắc chắn khi có bất kỳ một cơ hội đầu tư tốt nào ở tỉnh, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng là những nhà đầu tư đầu tiên đón nhận cơ hội này. Đặc biệt, chúng tôi được biết rằng trong Quy hoạch điện 8 sẽ có 1 dự án LNG được triển khai ở tỉnh Thanh Hóa và đó chính xác là dự án mà chúng tôi rất quan tâm trong tương lai".
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh, tuy nhiên hoạt động này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để giải quyết được bài toán thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, trong tiến trình mở cửa tỉnh Thanh Hóa cần phát huy lợi thế so sánh, tạo môi trường cạnh tranh để phát triển. Ðồng thời, cần tăng cường tiềm lực và bảo đảm an ninh kinh tế, trong đó coi trọng việc giữ vững các cân đối vĩ mô.
Phát huy cao nhất các nguồn lực, nhất là nội lực để xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng và phát triển có hiệu quả một số ngành, sản phẩm thiết yếu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, tạo lập những điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, như vốn ODA, vốn FDI, tín dụng thương mại và các nguồn vốn quốc tế khác.
Góp phần tạo bước ngoặt về hội nhập kinh tế quốc tế là việc phát huy tính năng động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nghĩa là, từng doanh nghiệp phải khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý; người lao động cần đổi mới phong cách làm việc; đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Coi trọng các giải pháp thực hành tiết kiệm, giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh thị trường của hàng hóa và dịch vụ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Thanh Hóa ở nước ngoài để triển khai các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vẫn là yêu cầu đặt ra đối với các cấp các ngành nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
Yến HoàngVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.