Thanh Hóa: Nâng cao giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Địa phương
11:35 AM 05/05/2023

Nhật Bản là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này còn rất lớn. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Nhật Bản.

Qua báo cáo nhanh của Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 40 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu với Nhật Bản. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: nông thủy sản, hàng may mặc, da giày, sản phẩm cói, hàng thủ công mỹ nghệ... Năm 2022, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 312 triệu USD, chiếm trên 5,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Theo các doanh nghiệp Thanh Hóa, Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu về chứng chỉ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này có thu nhập cao và sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu giá cao, nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm.

Thanh Hóa: Nâng cao giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - Ảnh 1.

Nông sản hữu cơ Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường Nhật Bản.

Việc tiếp cận và chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản rõ ràng là tín hiệu đầy tích cực cho các sản phẩm nông sản, may măc, giày da... Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng, giá trị, đồng thời khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường này, thì còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Yếu tố quan trọng nhất, theo các chuyên gia, là chất lượng sản phẩm. Theo đó, các HTX cần theo đuổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP hay Organic JAS, hay tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản, tạo ra những mặt hàng sạch, thân thiện môi trường.

Để không đánh mất cơ hội, bản thân các HTX, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc.

Thanh Hóa: Nâng cao giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - Ảnh 2.

Chia sẻ với phóng viên ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc kinh doanh, Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết: "Với Nhật Bản các hiệp định song phương đa phương là hành lang vô cùng tuyệt vời chắp cánh cho doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi. Các lợi thế rào cản thương mại, về thuế so với các quốc gia không có hiệp định, hưởng lợi. Trong bối cảnh khó khăn như này nhưng nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi ở các lĩnh vực mà chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam như gia công thủy sản...".

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, trao đổi thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa qua thị trường Nhật Bản. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, thúc đẩy hợp tác, phát triển giao thương, gia tăng mạnh mẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa 2 thị trường trong thời gian tới.

Thanh Hóa: Nâng cao giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc kinh doanh, Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa. Ảnh TTV

Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp Thanh Hóa cần lưu ý, hiện nay, thị trường Nhật Bản có tốc độ thay đổi nhanh chóng về mẫu mã sản phẩm, vòng quay sản phẩm nhanh và ngắn. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất Thanh Hóa cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản điều tra sâu thị trường, phát triển những sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản. Trong đó, các sản phẩm đa dạng, dễ dàng tuỳ chỉnh thích ứng với số lượng ít sẽ là xu thế tiêu dùng mới hiện nay. Doanh nghiệp Thanh Hóa cần rút ngắn hơn nữa thời gian sản xuất và đóng gói sản phẩm nhằm giảm thời gian từ khi đặt hàng đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay, mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được củng cố, phát triển toàn diện. Trên lĩnh vực kinh tế, hiện nay Nhật Bản đang nằm trong nhóm 3 nước có mức đầu tư trực tiếp FDI cao nhất vào Việt Nam. Tại Thanh Hóa, các dự án do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trực tiếp hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài khác để đầu tư đang chiếm tới 86,7% tổng vốn đăng ký đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án của Nhật Bản đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa 2 bên.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.