Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn

Địa phương
11:27 AM 01/03/2023

Qua hơn 5 năm triển khai thỏa thuận liên ngành số 01, 02 về nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, việc phối hợp triển khai cho vay qua Tổ vay vốn đã tạo ra kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Trước đây, khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, gia đình anh Lê Văn Quyền ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn phải tự tìm hiểu, làm các thủ tục hồ sơ vay vốn nên gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2017, thông qua tổ vay vốn Hội Nông dân xã, gia đình anh được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho vay vốn đã 5 năm nay. 

Ban đầu chỉ vay 20 triệu đồng, đến nay, anh đang vay 200 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, anh chăn nuôi lợn và trồng đào, cây cảnh. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại được Hội Nông dân tư vấn sản xuất, nên đến nay anh đã mở rộng được mô hình với hàng chục con lợn, gần 1000 gốc đào thế, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Anh Lê Văn Quyền cho biết: "Cán bộ ngân hàng xuống hướng dẫn làm thủ tục nhanh nhất cho gia đình, rồi được tập huấn chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho tôi phát triển tốt hơn, đến nay gia đình có của ăn của để, thu nhập dự tính năm tới khoảng 1 tỷ".

Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Đa số các hội viên nông dân, phụ nữ có nhu cầu vay vốn nhưng thiếu tài sản đảm bảo. Thiếu các thông tin và vướng mắc trong làm thủ tục vay vốn nên thường có tâm lý e dè tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của ngân hàng. 

Trước thực tế này, Agribank Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh triển khai thỏa thuận liên ngành 01, 02, Ngân hàng Nông nghiệp đóng vai trò là kênh cung cấp vốn. Trong đó, các cấp hội đóng vai trò là kênh tiếp nhận, tập hợp nhu cầu vốn vay, hướng dẫn hội viên thiết lập hồ sơ, làm thủ tục và tín chấp cho người dân vay vốn. Đồng thời Ngân hàng phối hợp với các tổ chức hội hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân, giúp sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Việc cho vay thông qua các tổ hội giúp ngân hàng chuyển tải vốn nhanh, hạn chế tình trạng quá tải đối với cán bộ tín dụng. Các tổ vay vốn hoạt động ngay tại cơ sở giúp nguồn vốn chuyển tải nhanh, khách hàng giảm được thời gian đi lại.

Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 2.

Nhờ vậy, tính đến cuối tháng 2/2023, toàn tỉnh đã hình thành 4.861 tổ vay vốn Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, với gần 141 nghìn hội viên vay, dư nợ đạt 16.395 tỷ đồng. Ngoài việc cung ứng kịp thời nguồn vốn, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá còn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…, giúp người dân sử dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế hiệu quả.

Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 3.

Ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn cho biết, xã Hợp Lý có dư nợ ngân hàng 40 tỷ, với khoảng 160 hộ vay vốn, hiệu quả phát huy rất tốt, về phía lãnh đạo địa phương thường xuyên giao ban nắm bắt nhu cầu vay vốn của nhân dân thông qua sinh hoạt tổ để đề xuất ngân hàng cho vay phù hợp với đầu tư. 

Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, trong thời gian tới Hội Nông dân sẽ phối hợp với các ngân hàng để thực hiện chủ trương chính sách về tín dụng nông nghiệp nông thôn, đồng thời tăng số tổ viên tổ vay vốn, phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học hướng dẫn người vay vốn ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc triển khai nguồn vốn tín dụng qua tổ vay vốn theo thỏa thuận liên ngành 01, 02, hiện nay, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu, năm 2023, dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn tăng trưởng bình quân từ 7,6% trở lên. Nguồn vốn vay đã giúp người dân thay đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn