Thanh Hóa: Nâng cao năng lực tiếp cận các dịch vụ viễn thông của người dân
Mô hình “3 không” trong chuyển đổi số đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính 100% trên môi trường mạng mà không cần di chuyển đến trụ sở UBND xã hoặc UBND huyện.
Mô hình "3 không" gồm: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc với chính quyền.
Nắm rõ tiện ích đó, hiện nay nhiều địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực tiếp cận các dịch vụ viễn thông của người dân trên địa bàn, tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa là một trong 5 địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm mô hình "3 không" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong cải cách thủ tục hành chính. Để thực hiện hiệu quả mô hình "3 không", xã đã chỉ đạo 100% cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị viễn thông, ngân hàng mở tài khoản, cài đặt APP vào điện thoại cho người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ thiết yếu như: tiền điện, tiền nước, dịch vụ môi trường.
Đến nay, toàn xã có 2.293/2.438 người có tài khoản định danh điện tử, đạt 94%; 100% cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn có mã QR-CODE để thực hiện thanh toán online; trên 90% người dân đã có tài khoản định danh điện tử và biết sử dụng tài khoản định danh điện tử để truy cập thực hiện dịch vụ công quốc gia; trên 2.000 công dân có tài khoản ngân hàng; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện trên dịch vụ công toàn tỉnh.
Ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Phát huy vai trò công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm vững kỹ năng sử dụng các nền tảng số, giúp người dân tương tác với chính quyền, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số".
Xã Thọ Lập là địa phương đầu tiên của huyện Thọ Xuân triển khai thực hiện thí điểm mô hình "3 không". Theo đó, địa phương đã thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân phối hợp với ngân hàng mở tài khoản, cài đặt ví điện tử, chữ ký số điện tử trong dịch vụ công; người dân và doanh nghiệp không phải đến Trung tâm dịch vụ hành chính công/Bộ phận một cửa khi sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến.
Người dân và doanh nghiệp khi phản ánh kiến nghị, gửi/nhận văn bản với cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua nền tảng số (App chung của tỉnh, cổng thông tin trao đổi văn bản với cơ quan nhà nước). Với mô hình này nội dung công việc thể hiện bắt đầu từ những hành động cụ thể, đơn giản của cán bộ công chức trong khâu tiếp cận hồ sơ của công dân và giải quyết kịp thời, đúng thời gian, không có trường hợp chậm, trễ hẹn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, thôn Mỹ Thượng, xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Khi đến văn phòng, chúng tôi được cán bộ hỗ trợ rất nhiệt tình, dịch vụ công thực sự rất tiện lợi cho người dân".
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch xã Thọ Lập, huyên Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Mô hình "3 không" trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại địa phương, nhân dân được cán bộ, công chức cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình, chu đáo".
Huyện Thọ Xuân có 274 Tổ công nghệ số cộng đồng với 1.267 thành viên, tại các khu phố, thôn, mỗi tổ gồm 5 đến 7 thành viên. Đây là lực lượng có kỹ năng, kiến thức, nhiệt tình hướng dẫn nhân dân cài đặt các dịch vụ số thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công… Qua đó, góp phần tạo sự lan tỏa, đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân trong các hoạt động kinh tế, xã hội đời sống.
Liên tiếp trong 2 năm qua, Thọ Xuân luôn được đánh giá là đơn vị giữ vững vị trí là đơn vị dẫn đầu khối UBND cấp huyện, thị xã, thành phố về đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương. Trong đó, một số chỉ số thành phần đạt điểm cao như: Chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật: Chỉ số xây dựng và phát triển chính quyền điện tử.
Ông Lê Văn Lực, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Thọ Xuân cho biết thêm: "Thông qua mô hình "3 không", huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo các địa phương triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Trên cơ sở đó, các địa phương đã phân công cho các tổ chức chính trị xã hội, trưởng khu phố, thôn có khả năng sử dụng nền tảng số truyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số".
Đến nay, kết quả tại 5 đơn vị thực hiện thí điểm mô hình "3 không" trên đia bàn tỉnh Thanh Hóa, đã có 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, chỉ đạo điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử; 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định); 90% tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.
Triều NguyệtTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.