Thanh Hóa: Nâng tầm phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh, thông minh" ở Thọ Xuân

Địa phương
07:42 AM 18/12/2023

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng xuất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện tỉnh Thanh Hóa đã và đang có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mô hình hiện đại, trong đó huyện Thọ Xuân là một trong những đơn vị dẫn đầu về phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh thông minh".

Thanh Hóa: Nâng tầm phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh, thông minh" ở Thọ Xuân- Ảnh 1.

Giống bưởi Luận Văn đang góp phần mang đến thu nhập cao và ổn định cho người dân nơi đây.

Trong những năm qua, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa.

Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến xa, với các thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM. Tính đến tháng 11/2023, tỉnh Thanh Hóa có 436 sản phẩm OCOP đứng thứ 2 toàn quốc. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 379 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Thanh Hóa có hàng trăm doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các tập đoàn chăn nuôi lớn. Không chỉ phát triển trong khối doanh nghiệp mà còn được nhân rộng và phát triển ở các HTX, tổ hợp tác và hộ cá thể, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất.

Thanh Hóa: Nâng tầm phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh, thông minh" ở Thọ Xuân- Ảnh 2.

Bưởi Luận Văn khi bổ ra có màu đỏ rất đẹp mắt.

Điển hình, tại huyện Thọ Xuân, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4,5% (KH bình quân hàng năm là 3,4%/năm). Trong đó, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 44,2% đạt 71,04%. Giá trị sản phẩm trên 01 ha diện tích canh tác năm 2023 ước đạt 146,5 triệu đồng (KH đến năm 2025 là:160 triệu đồng). Thu nhập khu vực nông thôn, bình quân đầu người ước đạt 62,5 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo công tác tích tụ ruộng đất, tập trung để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tính đến hết năm 2023 là 705,3 ha. Trong đó: Mô hình trồng bưởi Luận văn là 60ha, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Hoà là 25ha, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các xã Xuân Tín (25ha) và Xuân Lập (27ha) và Trường Xuân (25ha), Xuân Minh 69ha; trong đó xây dựng mô hình điểm về sản xuất lúa hữu cơ tại xã Xuân Tín quy mô 10ha. Đến nay huyện cũng đã thu hút được 07 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; đạt 70% (KH đến năm 2025 thu hút 10 doanh nghiệp).

Thanh Hóa: Nâng tầm phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh, thông minh" ở Thọ Xuân- Ảnh 3.

Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel. Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dưa. Phân bón được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây dưa phát triển.

Tại xã Thọ Xương, nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả từ năm 2010 đã tạo nên những vùng chuyên canh cây đặc sản quy mô lớn. Nơi đây, nổi tiếng với đặc sản bưởi đỏ Luận Văn tiến vua. Đây là giống bưởi quý với giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo,bền vững.

Theo ông Lê Minh Tâm, chủ vườn cây ăn quả xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, do trước đây gia đình trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, được sự tư vấn của nhiều người, gia đình đã tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng bưởi Luận Văn. Sau khi được UBND xã Thọ Xương tư vấn, cũng như tạo điều kiện tích tụ đất đai để quy hoạch thành vùng cây ăn quả, gia đình đã nhập nhiều giống cây mới về trồng. Nhờ tuân thủ kỹ thuật, cũng như quy trình chăm sóc, bón phân, tới nay gia đình đã có một trang trại quy mô lớn trồng bưởi Luận Văn theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu nhập đạt 500 triệu đồng/năm.

Thanh Hóa: Nâng tầm phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh, thông minh" ở Thọ Xuân- Ảnh 4.

Vườn dưa Kim hoàng Hậu thời điểm thu hoạch cho chất lượng cao, ngọt dịu 100 quả dưa vàng trong nông trại của Công ty Điền trạch Farm đều tăm tắp như nhau.

Với niềm đam mê và quyết tâm làm ra nông sản sạch, anh Đỗ Văn Tùng, sinh năm 1985, Chủ tịch Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa Kim hoàng hậu. Mô hình không chỉ đem lại diện mạo, sức sống mới cho xứ Đồng Cạn, xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, mà còn góp thêm một làn gió mới trong việc đổi mới tư duy, nhận thức trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Nông trại dưa của anh Tùng áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, vật tư đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ.

Anh Tùng cho biết: Trước khi đưa vào gieo trồng phải tìm hiểu kỹ lưỡng đặc tính sinh học của từng loại giống cây trồng. Theo dõi diễn biến thời tiết hàng ngày và thăm vườn thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật chăm bón phù hợp (ngày ít nắng, râm mát hoặc có mưa, cây sẽ quang hợp kém, nhu cầu về nước và dinh dưỡng đều giảm, cần giảm lượng nước tưới và số lần bón phân cho cây so với khuyến cáo trong quy trình kỹ thuật). Thụ phấn cho cây vào buổi sáng và kết thúc trước 10h. Lẩy quả từ nách lá thứ 9 - 13, nhưng mỗi cây chỉ lấy 1 quả, chọn để lại các quả cân đối, không sâu bệnh, không dị hình. Kết thúc mùa vụ thu hoạch phải tiến hành vệ sinh nhà vườn, phun hóa chất diệt khuẩn bên trong và xung quanh nhà màng nhà lưới...

Thanh Hóa: Nâng tầm phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh, thông minh" ở Thọ Xuân- Ảnh 5.

Anh Đỗ Văn Tùng, Chủ tịch Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch bên cạnh vườn dưa Kim hoàng Hậu thời điểm thu hoạch.

Đối với hệ thống tưới, anh Tùng dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel. Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dưa. Phân bón được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây dưa phát triển. Điểm khác biệt là hệ thống châm phân 4 cổng có khả năng điều chỉnh lượng phân bón gốc chính xác, điều khiển tại chỗ hoặc từ xa, lịch sử tưới được lưu lại trên hệ thống giúp anh có thể dễ dàng phân tích dinh dưỡng, cây trồng được cung cấp dinh dưỡng đều và liên tục sẽ phát triển khỏe mạnh. 

Đó là một trong những lý do 100 quả dưa vàng trong nông trại của công ty đều tăm tắp như nhau. Nông trang của anh chuyên cung cấp cho hệ thống siêu thị cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh như: Vinaco, Winmart, một số siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng nhập dưa từ Điền Trạch Farm.

Chia sẻ với phóng viên anh Tùng cho biết thêm: đầu năm 2020, tôi quyết định thành lập Công ty CP Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao Điền Trạch. Tuy chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn, nhưng nó đem lại hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, thời gian khấu hao dài, chất lượng sản phẩm nông sản tốt và ổn định, với năng suất như vậy sẽ mất khoảng 2 năm để thu hồi vốn.

Đối với giống dưa kim hoàng hậu, với đặc thù khí hậu miền Bắc Việt Nam, trong 1 năm chỉ có thể trồng được nhiều nhất 3 vụ. Trong thời gian còn lại, anh trồng thêm dưa chuột baby... Mỗi gốc dưa trong giá thể từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch sẽ tốn kém khoảng 25.000 đồng/vụ, sản lượng trung bình mỗi gốc đạt khoảng 1,2 – 1,8kg. Với giá bán dưa vàng dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí sẽ thu về 10.000 -15.000 đồng/gốc/vụ. 

Với diện tích hơn 4ha, vườn dưa Điền Trạch farm chúng tôi đang cho sản lượng khoảng 170 tấn/ năm, mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ/ năm. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu/ người/ tháng.

Thanh Hóa: Nâng tầm phát triển hệ sinh thái "Nông nghiệp xanh, thông minh" ở Thọ Xuân- Ảnh 6.

Bà con nông dân đang thu hoạch dưa.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định: Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng đã và đang tạo xung lực mới cho ngành nông nghiệp. Hiện nay, xu hướng phát triển nền nông nghiệp xanh thông minh đang cho thu nhập từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha canh tác đối với nhà màng, nhà lưới. Đối với vùng cây ăn quả thu từ 400-500 triệu đồng/ha. Việc tích tụ tập trung ruộng đất đã góp phần thay đổi đời sống người dân, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm của huyện. 

Huyện cũng đang cố gắng thực hiện tốt việc tập trung tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân tham gia sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, đồng thời thường xuyên mở lớp hướng dẫn, cập nhật kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao...

Để thực sự được gọi là "nông nghiệp xanh, thông minh" cần sự đồng bộ trong chính sách, cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc và đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cần có đủ kiến thức để làm chủ máy móc, công nghệ. Cần lựa chọn đúng quy mô, công nghệ thị trường hiệu quả thay vì áp dụng phong trào. Nếu không, mọi khái niệm về "nông nghiệp công nghệ cao" chỉ là trên giấy, hoặc nửa vời, biến tướng lệch lạc. 

Không thể có một công thức rập khuôn cho nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề là cần chọn công nghệ phù hợp với từng vùng đất, từng cây trồng vật nuôi, khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật của bà con nông dân.

Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.