Thanh Hóa - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững
Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị FLC Samson Golf & Resolf (TP Sầm Sơn), UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 với chủ đề: “Thanh Hóa - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh”.
Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 được tổ chức một lần nữa là minh chứng cho thấy mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, nghiên cứu, liên kết hợp tác trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. 18 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 86% số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI.
Ông Hayashi Motoo, Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam cho biết, về mặt kinh tế có thể nói rằng tỉnh Thanh Hóa có mối quan hệ khăng khít chặt chẽ với phía Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản đã lên đến 2,2 nghìn tỷ đồng cho dự án nhà máy phát điện Nghi Sơn 2 và dự án này được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện cho Việt Nam sau khi đi vào vận hành thương mại vào năm ngoái.
Lý do các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư là bởi Thanh Hóa có nguồn lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển trước hết phải kể đến là hệ thống đường cao tốc, hơn nữa tại Thanh Hóa có thiết lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản (JAPAN DESK) và thành lập đặc khu kinh tế nên có thể nói Thanh Hóa là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư. Và chúng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa.
Ông Hayashi Motoo hy vọng, tại các phiên hội nghị về những chuyên đề kinh tế, lao động, du lịch, giao lưu địa phương,… các ý kiến thảo luận, trao đổi về triển vọng, những vấn đề phải đối mặt, cơ chế chính sách của hai nước sẽ là cơ hội đánh dấu bước phát triển mới cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam, góp phần cho sự tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa.
Những năm qua, mối quan hệ giữa tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh của Nhật Bản nói riêng, giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung ngày càng khăng khít. Các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi đầu tư.
Các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư vì Thanh Hóa sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có, được ví như "Việt Nam thu nhỏ" với đầy đủ các loại địa hình và hệ sinh thái; có vị trí khá thuận lợi về giao thông với đủ các loại hình; có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hoá… Tỉnh Thanh Hóa có Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: Hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức tại tỉnh Thanh Hoá lần này đánh dấu một mốc mới cho sự phát triển hơn nữa mối quan hệ lâu dài của hai nước cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là sự kiện quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh nổi bật và hấp dẫn của tỉnh; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; các lĩnh vực, các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh; đồng thời, đây cũng là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Thanh Hoá đã chủ động đăng cai, tích cực xây dựng ý tưởng và chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức hội nghị. Đây là dịp để hai bên cùng trao đổi những thông tin hữu ích, các ý tưởng hợp tác cụ thể, mở ra thời kỳ hợp tác mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Thanh Hoá và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - ông Nakajima Takeo, cho biết: Hiện nay, các DN đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các thành phố lớn ra các khu vực lân cận, do tại các thành phố lớn chi phí nhân công tăng cao (khoảng 6%/năm). Các DN Nhật Bản cũng đang trong quá trình xem xét lại chuỗi cung ứng trong toàn hệ thống và các dự án đầu tư của các DN Nhật Bản cũng được triển khai mở rộng khắp các tỉnh/thành của Việt Nam. Tại khu vực phía Bắc, các tỉnh/thành như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định là những tỉnh đang thu hút đầu tư rất lớn khi hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, nhất là khi các tuyến đường cao tốc mới đã được đưa vào khai thác.
Ông Miki Jun, Giám đốc điều hành Ban Phát triển kinh doanh Việt Nam của Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) cho biết: Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và đặt ra cho các nước phải có trách nhiệm trong việc nỗ lực phát triển xã hội không có khí thải CO2 và đặt ra vấn đề cần khai thác nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, thay thế.
Theo đó, Công ty Idemitsu Kosan đưa ra mục tiêu cho tới năm 2030 sẽ giảm 46% lượng phát thải khí CO2 so với năm 2013 và công bố kế hoạch đưa các chính sách tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo và triển khai các công nghệ xử lý bể chứa dưới lòng đất,... tạo ra sự cân bằng năng lượng về lượng phát thải và lượng xử lý đối với Carbon trung tính.
Ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã khái quát những tiềm năng, lợi thế nổi trội của Khu kinh tế Nghi Sơn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở - nhất là hệ thống cảng biển nước sâu; lực lượng lao động trẻ, dồi dào; thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài và giúp DN tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.
Vũ QuỳnhBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.