Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng trong kinh tế - xã hội đầu năm 2024, tạo động lực phát triển

Địa phương
07:09 AM 27/02/2024

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 14,9 % trở lên. Nghị quyết số 15, ngày 1/12/2023 của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định sẽ tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và thực hiện 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Được xác định là năm "tăng tốc, bứt phá và về đích" để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng trong kinh tế - xã hội đầu năm 2024, tạo động lực phát triển- Ảnh 1.

Một nhà máy điện khí LNG

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2024 do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày tại phiên họp nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 của tỉnh tiếp tục ổn định, có dấu hiệu khởi sắc ngay trong những tháng đầu năm mới 2024.

Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng mạnh so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,3%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 21%; giá trị xuất khẩu tăng 52,8%; tổng lượt khách du lịch tăng 34,4%, tổng thu du lịch tăng 46%; vận chuyển hàng hóa tăng 10,2%, vận chuyển hành khách tăng 26,3%, doanh thu vận tải tăng 15,3%; thu ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt 3.375 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 8.708 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế đã được đặt ra, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm mới, các địa phương, doanh nghiệp đều triển khai thực hiện và có nhiều nỗ lực cố gắng để góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu.

Đáng chú ý, trong 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá, Thanh Hóa tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đã được xác định.Cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp-xây dựng tăng 14%; Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 135 tỷ đồng trở lên; Thu ngân sách nhà nước đạt gần 35.570 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Nhiều điểm sáng trong kinh tế - xã hội đầu năm 2024, tạo động lực phát triển- Ảnh 2.

Năm 2023, du lịch Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lượng khách khách đến.

Trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đều đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và đồng bộ; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo đột phá phát triển đô thị và công nghiệp tập trung.

Trong tháng 1/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Thanh Hóa đã có bước phục hồi tích cực với mức tăng trưởng 43,48% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng với trên 631 triệu USD, tăng 9,3% so với tháng trước và tăng 94,3% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu vui và là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hóa hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế mà nghị quyết đã đề ra.

Cũng trong tháng 2, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 2.929,9 tỷ đồng và 32,6 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến nay, đã thu hút được 21 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 3 dự án FDI), gấp 3 lần về số dự án và gấp 6,7 lần về tổng vốn đăng lý so với cùng kỳ.

Chương trình xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP tiếp tục được quan tâm thực hiện; trong kỳ báo cáo, có thêm 3 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu; 53 thôn /bản kiểu mẫu; có thêm 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh lên 479 sản phẩm.

Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được cải thiện; các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần tạo cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp thêm yên tâm, tin tưởng, tạo khí thế, động lực mới để hoàn tành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn