Thanh Hóa: Nỗ lực đưa bà con vạn chài lên bờ trước mùa mưa bão
Sau hàng chục năm sinh sống lênh đênh trên sông nước, giờ đây người dân vạn chài ở Thanh Hóa đang được cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà để an cư, lạc nghiệp. Tỉnh Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu hoàn thành việc đưa người dân lên bờ trước mùa mưa bão năm 2023.
Số liệu của văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh hiện có 162/299 hộ đồng bào nghèo sinh sống trên sông đủ điều kiện được cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây nhà để ổn định cuộc sống trên bờ.
Theo kế hoạch, chậm nhất đến ngày 30/6/2023, các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thạch Thành và Yên Định hoàn thành việc cấp đất ở, hỗ trợ người dân xây dựng nhà. Riêng thành phố Thanh Hóa, chạm nhất đến ngày 31/12/2023 hoàn thành việc đưa người dân sinh sống trên sông nước lên bờ.
"Thuyền là nhà, sông là nơi mưu sinh", cứ thế đã bao thế hệ của gia đình bà Nguyễn Thị Lý (thôn Định Tân, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành) đã lênh đênh trên dòng sông Mã. Ước mơ lớn nhất với gia đình bà là có nhà kiên cố để không còn phải lo lắng trong mỗi mùa mưa bão, để con cháu được học hành, được an cư, lạc nghiệp.
Nhờ những chủ trương, quyết sách kịp thời của tỉnh, giấc mơ của gia đình bà Nguyễn Thị Lý đã trở thành hiện thực. Căn nhà "Đại đoàn kết" khang trang hơn 150m2 vẫn còn thơm mùi sơn mới càng nhân thêm niềm vui, hạnh phúc của gia đình bà Lý. Gia đình bà được nhận kinh phí xây dựng và hỗ trợ mua sắm đồ dùng sinh hoạt với số tiền lên đến 180 triệu đồng từ MTTQ tỉnh, MTTQ huyện, Uỷ ban Bác ái Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa và sự giúp sức của họ hàng, các tổ chức, chính quyền địa phương. Xã Thạch Định đã cấp 500m2 đất sản xuất cho gia đình bà Lý, dự định thời gian tới sẽ tiếp tục cấp thêm 500m2 đất sản xuất và 1 con bò giống để gia đình bà làm kế sinh nhai.
Cũng giống như gia đình bà Lý, nhiều cư dân vạn đò sống trên các tuyến sông của tỉnh Thanh Hóa rất vui mừng, phấn khởi khi được chính quyền quan tâm hỗ trợ cấp đất, xây nhà. Tại huyện Vĩnh Lộc, hiện cả 4 hộ đồng bào nghèo sinh sống trên sông đã được làm các thủ tục hỗ trợ đất ở và kinh phí làm nhà, dự kiến, huyện sẽ hoàn thành việc đưa đồng bào nghèo sinh sống trên sông lên bờ trước quý 1 năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Ba (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) phấn khởi cho biết, cả đời lênh đênh sông nước, đến hôm nay, gia đình tôi thực sự cảm thấy yên tâm về cuộc sống sau này, sẽ không còn những nỗi lo thường trực mỗi mùa mưa bão.
Thanh Hóa là địa phương có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống trên sông, mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản, trong đó đa số các hộ đều thuộc diện nghèo đa chiều. Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU tháng 10/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông" gần 20 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở Thanh Hóa đã quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, dành quỹ đất để quy hoạch và cấp đất ở cho bà con vạn chài lên bờ ổn định cuộc sống.
Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, chính quyền các địa phương đã huy động nhân lực, thiết bị và nguồn hỗ trợ khác để xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ xây nhà cho người dân. Cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc để hiện thực hóa một cách nhanh nhất những căn nhà "ý Đảng, lòng dân".
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tuân, Chủ tịch MTTQ huyện Thạch Thành khẳng định, cấp ủy, chính quyền địa phương trong huyện rất quan tâm, triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông. Với chức năng, nhiệm vụ được phân công, MTTQ huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ đang sinh sống trên sông lên bờ định cư, tham gia phát triển kinh tế -xã hội, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến thời điểm này, cả 5 hộ thuộc diện được cấp đất đã hoàn thiện công trình và lên bờ ổn định cuộc sống. Sau khi về nhà mới, các hộ rất phấn khởi, trên bờ cuộc sống ổn định hơn, thuận lợi cho sinh hoạt, học hành của con cái.
Theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, ngoài nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện đã phát động từ Quỹ vì người nghèo của huyện, phát động hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và anh em dòng họ giúp về nhân công, để các hộ hoàn thành việc xây dựng nhà trong quý 1/2023. Huyện sẽ tiếp tục làm việc, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận cũng như lựa chọn công việc phù hợp để người dân mới lên bờ sẽ dần thay đổi tập quán sinh hoạt, làm việc để có cuộc sống ổn định hơn trong tương lai.
Cũng nhờ chính sách hỗ trợ đất ở cho người sinh sống dưới sông lên bờ, đến nay cuộc sống của 106 hộ dân sống bằng nghề sông nước thuộc làng vạn chài Thủy Long, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) đã thực sự đổi thay. Về Thủy Long hôm nay, không còn cảnh những con đường đất lầy lội vào mùa mưa mà thay vào đó là con đường bê tông bằng phẳng, thênh thang, dọc bên đường là những ngôi nhà kiên cố.
Trong ngôi nhà mái bằng diện tích gần 100m2 được chính quyền xã cấp đất và hỗ trợ tiền xây dựng từ năm 2008, chị Nguyễn Thị Vẽ, một trong số hơn 100 hộ dân từng sống ở làng chài Thủy Long, hồ hởi cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể… gia đình tôi cùng với nhiều gia đình khác ở xóm vạn chài đã được lên bờ và có cuộc sống ổn định, no ấm hơn xưa.
Không chỉ có gia đình chị Vẽ, còn nhiều gia đình khác ở xóm vạn chài Thủy Long sau khi lên bờ đã nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, khá giả hơn, con cái có điều kiện được ăn học, thành đạt. Hiện 100% trẻ em ở làng chài Thủy Long được đến lớp đúng độ tuổi và hàng năm có từ 15-20 cháu học hết bậc THPT, có 3-5 cháu thi đỗ vào các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…
Những đổi thay của các làng chài ở Thanh Hóa trong thời gian qua không chỉ góp phần quan trọng đưa phong trào xây dựng NTM, nông thôn mới nâng cao, mà còn tạo điều kiện để các xã, huyện phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu./.
Triều NguyệtViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.