Thanh Hóa nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối
Trong năm qua tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do sự biến động của giá cả nguyên vật liệu xây dựng, thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp mặt bằng và ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ nhưng ngành giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực hết mình khắc phục khó khăn, triển khai các dự án hạ tầng đồng bộ đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một yếu tố rất quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư hay các cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng.
Vượt qua khó khăn vì phải tạm dừng thi công hơn 40 ngày do ảnh hưởng của bão lũ và mưa lớn, những ngày này, hàng trăm công nhân trên công trường xây dựng cầu Xuân Quang, thuộc dự án đường nối Quốc lộ 45 - Quốc lộ 1 kết nối với nút giao Thiệu Giang thuộc cao tốc Bắc - Nam đang gấp rút thi công để nối nhịp cầu cuối cùng bắc qua 2 bờ sông Mã. Theo dự kiến, cầu Xuân Quang sẽ chính thức thông xe kỹ thuật vào dịp Tết Ất Tỵ sắp tới.
Đến đầu năm 2025, trong số 5 dự án giao thông trục ngang trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sẽ có 2 dự án hoàn thành, gồm dự án đường nối Quốc lộ 45 - Quốc lộ 1 kết nối với nút giao Thiệu Giang thuộc cao tốc Bắc - Nam và dự án đường Vạn Thiện - Bến En. Các dự án giao thông trục ngang này sẽ kết nối cao tốc Bắc - Nam với các trục đường chính của tỉnh và khu vực cảng biển, cảng hàng không, tạo động lực phát triển các đô thị, các khu công nghiệp, khu du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh những dự án do tỉnh đầu tư, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động cân đối nguồn lực, đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương.
Chỉ riêng tại TP.Thanh Hóa, trong năm 2024 đã khởi công 2 dự án giao thông quan trọng, gồm: dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường 2 đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây, với tổng mức đầu tư 647 tỷ đồng; dự án mở rộng đại lộ Lê Lợi đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống, tổng vốn đầu tư trên 1000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam đang thi công vượt tiến độ, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào tháng 9/2025.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trong năm 2024 vẫn gặp rất nhiều khó khăn do biến động tăng liên tục của giá cả nguyên vật liệu, một số dự án thiếu nguồn cát và đất đắp nền; việc giải phóng mặt bằng còn không ít vướng mắc, nhiều dự án chậm hơn so với tiến độ thi công.
Nhiệm kỳ này, bình quân mỗi năm, Thanh Hóa dành khoảng 2.000 tỷ đồng, ưu tiên phát triển các tuyến giao thông kết nối mới, mở rộng không gian phát triển gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, miền, các địa phương. Gắn kết với tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa là các trục giao thông Đông - Tây tiếp tục xây dựng như: Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển qua huyện Nga Sơn; đại lộ Lê Lợi kéo dài nối với đường Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân.
Với các huyện, thành phố trọng điểm, tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, có cơ chế chính sách khai thác, bố trí nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng, kết nối. Dự kiến, cầu trên tuyến đại lộ Đông - Tây ở thành phố Thanh Hóa tiếp tục được thi công; hoàn thiện tuyến đường từ Ngã tư Voi xuống Khu du lịch nam Sầm Sơn, kết nối với các trục giao thông bắc-nam vùng duyên hải nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, kinh tế biển.
Chú trọng sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm; bố trí tập trung nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn ODA, ngân sách tỉnh, các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm, kết nối nội tỉnh và các vùng, các trung tâm kinh tế động lực. Tỉnh đã phê duyệt Đề án thu hút đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đây là cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Theo kế hoạch, năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm gồm: đoạn còn lại của dự án đường nối Quốc lộ 1 - Quốc lộ 45 - Quốc lộ 47; dự án đường vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương; 2 đoạn còn lại của dự án đường nối thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân và dự án đường từ nút giao Đông Xuân đi thành phố Thanh Hóa (đoạn Đông Thanh - Đông Tiến).
Ngay từ đầu năm, ngành Giao thông vận tải, các chủ đầu tư và các địa phương, đơn vị liên quan đang tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, quyết tâm triển khai các dự án đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính kết nối, nhằm sớm hoàn thành và đưa các công trình vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, thu hút đầu tư các công trình đầu mối, kết nối liên vùng, liên tỉnh theo phương thức đối tác công tư nhằm kết hợp và huy động hiệu quả nguồn lực từ khối tư nhân theo phương châm "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", vận dụng sáng tạo mô hình "đầu tư tư - sử dụng công", "lãnh đạo công - quản trị tư" trong đầu tư, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng giao thông; đồng thời, tỉnh huy động có hiệu quả các nguồn vốn, đóng góp của nhân dân, cùng Nhà nước xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn.
Yến HoàngTại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi đã thông tin về tình hình lương, thưởng Tết năm 2025 của người lao động.