Thanh Hóa: Nỗ lực tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 của tỉnh Thanh Hóa đạt giá trị 8 tỷ USD. Thanh Hóa đang nắm bắt, tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Số liệu của Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Toàn tỉnh hiện có 304 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang 68 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 50 chủng loại hàng hóa, trong đó có nhiều thị trường lớn, yêu cầu cao và rất có tiềm năng.
Để đạt mục tiêu này, ngành công thương tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Hàng hóa xuất khẩu qua Cảng quốc tế Nghi Sơn - Thanh Hóa
Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Thanh Hóa vào Hoa Kỳ đạt 755 triệu USD, Hàn Quốc đạt 378 triệu USD, Nhật Bản đạt 325 triệu USD... Các thị trường tiềm năng quan trọng này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa đạt tới 6 tỷ USD, đây cũng là động lực chính cho mục tiêu đạt 8 tỷ USD trong năm 2025.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 111 doanh nghiệp ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); 101 doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường các nước ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); 24 doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA); 303 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu đối với thị trường các nước ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nhanh chóng nắm bắt, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do truyền thống - FTA cũng như thế hệ mới - FTAs để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, xây dựng mối quan hệ với các quốc gia đã ký kết hiệp định, bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế.
Mặt khác, hệ thống chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách hướng tới thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra.
Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được xây dựng và điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hội nhập quốc tế.
Đối với ngành hàng xuất khẩu đến từ dệt may, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mở ra cơ hội rất lớn do được hưởng lợi nhiều từ các dòng thuế về 0%. Đây cũng là nhóm ngành hàng chủ lực, chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi ích từ các FTA khi đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ cho việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của đối tác, đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết, sử dụng sản phẩm theo chuỗi để chuẩn bị cho các đơn hàng đi thị trường có các hiệp định thương mại tự do được tốt hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Để nâng cao năng lực về hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp, hàng năm Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế và triển khai các quy định của pháp luật liên quan.
Mặt khác, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương phổ biến thông tin về các thị trường, các biện pháp phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại tại các nước mà Việt Nam tham gia FTA, FTAs nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, nhiều khóa tập huấn đã được tổ chức theo hướng chuyên sâu về các FTAs mới như EVFTA, CPTPP, RCEP, UKVFTA; kết nối trực tiếp doanh nghiệp với các thương vụ của Việt Nam đang phụ trách tại các nước nhằm nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường và tìm kiếm cơ hội, tận dụng lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Có thể nói, việc nắm bắt và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp các doanh nghiệp tại Thanh Hóa mở rộng thị trường xuất khẩu. Sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương đã tạo ra môi trường thuận lợi để khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA.
Với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế rõ ràng, Thanh Hóa đã, đang trên đà phát triển mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu đạt 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025.
Để làm được điều đó, Thanh Hóa đã kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh phù hợp nhằm tăng cường lợi thế của tỉnh Thanh Hóa trong việc tận dụng các FTA. Tỉnh cũng tiến hành rà soát các tiêu chuẩn và xây dựng hàng rào kỹ thuật; thực thi các biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao uy tín và chất lượng hàng xuất khẩu của tỉnh; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt... để sản xuất sản phẩm xuất khẩu hợp chuẩn quốc tế.
Triều Nguyệt
Đây là dự báo được chuyên gia kinh tế của Standard Chartered đưa ra tại tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và thế giới trong nửa đầu năm 2025, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/2.