Thanh Hóa: Nỗ lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế du lịch

Địa phương
08:19 PM 12/11/2024

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực vào năm 2025, Thanh Hóa lập kế hoạch và dự thảo các chính sách khuyến khích, trong đó có việc tăng cường phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh. Sự chủ động trong định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã giúp Thanh Hóa sớm tạo ra sức đột phá mạnh mẽ với những bước đi vững chắc.

Từ chính sách đến thực tiễn

Thanh Hóa: Nỗ lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế du lịch- Ảnh 1.

Thành phố du lịch biển Sầm Sơn - nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, nhiều tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, lại có nguồn nhân lực dồi dào, cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành đã tạo bước đột phá trong phát triển du lịch.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yếu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định "du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn". Điều đó cho thấy, du lịch từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã ngày được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế-xã hội.

Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hoa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo bước đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn. 

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển vượt trội của du lịch biển xứ Thanh.

Thanh Hóa: Nỗ lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế du lịch- Ảnh 2.

Bãi biển Bãi Đông, thị xã Nghi Sơn với vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo.

Ngoài các sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...

Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ kết nối các tour, tuyến du lịch... Đặc biệt, trong những năm gần đây, các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách. Từ đó, hình thành nên các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); bản Hiệu, bản Đôn (huyện Bá Thước); bản Hang (huyện Quan Hóa); bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy); bản Ngàm (huyện Quan Sơn)..., dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa.

Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế du lịch

Trong năm 2023, nhất là trong những tháng cao điểm du lịch hè, năm 2024, Thanh Hóa mạnh dạn đưa nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố (tại khu du lịch Sầm Sơn); tour du lịch Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn... (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn (khu du lịch Hải Tiến... đã tạo nên sức cạnh tranh sản phẩm du lịch với các tỉnh.

Thanh Hóa: Nỗ lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế du lịch- Ảnh 3.

Các địa điểm như Sunworld Sầm Sơn hoạt động hết công suất trong dịp nghỉ lễ 2/9.

Với tiềm năng lợi thế như trên, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, triển khai các nghị quyết, kế hoạch đã đề ra trong phát triển du lịch. Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo đó, du lịch Thanh Hóa đã đạt được những thành quả quan trọng trong phát tiển kinh tế du lịch, du khách trong nước và quốc tế đến với Thanh Hóa không ngừng tăng lên, nguồn thu từ du lịch năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2023, ngành du lịch đã có sự bứt tốc mạnh mẽ với số lượng khách du lịch đạt kỷ lục ước trên 12,4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 24.500 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch năm 2023.

Cùng với việc đẩy mạnh và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch, hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng được đặc biệt quan tâm, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm và kế hoạch kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đoàn bẩy thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như: đường nối cảng hàng không Thọ Xuan với Khu tinh tế Nghi Sơn; đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn1); tuyến đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa; dự án đường Quốc lộ 1A nối với Khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh... Đồng thời, đang triển khai thực hiện một số dự án lớn, như tuyến đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; đường nối trung tâm TP. Thanh Hóa đến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn...

Thanh Hóa: Nỗ lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế du lịch- Ảnh 4.

Khu di tích Lam Kinh, cố đô trăm năm tuổi với kiến trúc cung đình khi nhìn từ trên cao.

Việc đầu tư, đưa vào khai thác cảng hàng không Thọ Xuân đã kết nối Thanh Hóa với nhiều địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận, kết nối các điểm đến, thu hút du khách trong và ngoài nước. 

Tổng lượt khách ước đạt 14.454.000 lượt, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 104,7% kế hoạch năm 2024, trong đó khách quốc tế ước đạt 551.000 lượt, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 76,7% kế hoạch năm 2024; tổng thu du lịch ước đạt 31.935,5 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 98,6 kế hoạch năm 2024, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế ước đạt 285.420.000 USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 96,7% kế hoạch năm 2024.

Nổi bật nhất là du lịch biển Sầm Sơn thu hút lượng du khách lớn nhất đến với Thanh Hóa trong 9 tháng đầu năm, tiếp nối thành công của mùa du lịch năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, đây cũng là dịp để Sầm Sơn quảng bá sản phẩm, hình ảnh, văn hóa, con người xứ Thanh đến với du khách trong nước và quốc tế...

Việc khánh thành quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn với chương trình nghệ thuật "Sầm Sơn rực rỡ sắc màu" và màn bắn pháo tầm thấp; đăng cai giải đua xe đạp cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV; đăng cai tổ chức giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt, golf hè Sầm Sơn năm 2024 với sự ghi nhận và đánh giá cao của bộ, ngành, Trung ương, của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ và tổ chức hiệu quả các sự kiện lớn về chính trị - văn hóa diễn ra trên địa bàn: Chương trình cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genneve và Chuyến tàu tập kết (1954-2024) tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, tại khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954....

Thanh Hóa: Nỗ lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế du lịch- Ảnh 5.

Hình ảnh ruộng bậc thanh tuyệt đẹp tại Pù Luông, huyện Bá Thước.

Với hàng loạt chuỗi các hoạt động đó, 9 tháng năm 2024, thành phố Sầm Sơn ước đón 8,58 triệu lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ, đạt 100,9% KH; số ngày khách đạt 16,8 % so với cùng kỳ, đạt 102,1% KH; doanh thu du lịch đạt 16.482 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ, đạt 104,8% KH.

Cùng với đó, du lịch huyện Bá Thước tiếp tục gặt hái được những thành quả quan trọng, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng, đặc biệt là khu du lịch Pù Luông được nhiều du khách quốc tế biết đến như là một địa chỉ tin cậy hấp dẫn không thể thiếu trong các tour du lịch... Trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đón được 259.500 lượt khách đến thăm quan du lịch và lưu trú tại đây, doanh thu ước đạt trên 560 tỷ đồng.

Để đạt được những kết quả trên, Thanh Hóa đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Nhằm thu hút, phục vụ du khách đến với Thanh Hóa, hàng năm tỉnh Thanh Hóa mở các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch; bồi dưỡng về du lịch cộng đồng dạy nấu ăn; tập huấn, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch trekking tour.

Với thành quả về phát triển kinh tế du lịch đã đạt được, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh trọng điểm, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân góp phần hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.