Thanh Hóa: Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề
Trong tiến trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 118 làng nghề, trong đó, có hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định công nhận đạt các tiêu chí. Nhiều sản phẩm làng nghề đã tồn tại và có sức cạnh tranh tốt trên thương trường nhờ việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế.
Huyện Vĩnh Lộc hiện có hơn 20 ngành nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Đa phần các làng nghề trên địa bàn đang hoạt động có hiệu quả, với nhiều sản phẩm không ngừng được chú trọng xây dựng thương hiệu. Có thể kể đến một điển hình như làng nghề chế tác đá làng Mai, xã Minh Tâm đang tạo việc làm cho khoảng 500 lao động với thu nhập bình quân đạt từ 10 triệu đồng/lao động/tháng.
Nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm để liên kết tiêu thụ bền vững bằng việc tham gia các chuỗi sản xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp. Doanh thu từ các sản phẩm đá mỹ nghệ tại làng nghề này đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Hay như làng nghề trồng cây và kinh doanh sinh vật cảnh tại khu phố Đún Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc cũng đang phát triển ổn định với 50 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 100 người. Tổng doanh thu từ các sản phẩm hoa, cây cảnh hàng năm của làng nghề đạt khoảng 13 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 sản phẩm làng nghề đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm rượu Sâm Báo, chè lam Phủ Quảng, túi xách Nông Phú, bộ tranh đá tứ quý và tranh đá cá chép chơi trăng, chổi đót Nông Phú, kẹo lạc Hà Ly. Sở dĩ, các sản phẩm làng nghề của địa phương phát triển bền vững qua thời gian là nhờ các hộ đã biết kết hợp kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất với việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, địa phương đang khuyến kích các thợ giỏi tham gia đào tạo và thiết kế mẫu mã sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ tạo lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của các làng nghề gắn liền với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Tại huyện Quảng Xương, nhiều ngành nghề truyền thống cũng được khẳng định sức sống tốt trên thị trường, như: Nghề trồng cói và sản phẩm sản xuất từ cói tại các xã Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Vọng, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc, Quảng Hợp; nghề chế biến hải sản ở xã Quảng Nham, nghề trồng đào xã Quảng Chính…
Điển hình với nghề trồng và dệt chiếu cói, từ vùng nguyên liệu 550 ha, người dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng để nâng cao hiệu quả của làng nghề. Sự đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng khiến thương hiệu sản phẩm chiếu cói ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Chiếu cói Quảng Xương hiện không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở nhiều thị trường ngoài tỉnh, như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Hưng yên…
Nghề chế biến nước mắm và chế biến hải sản Quảng Nham cũng đang có xu hướng phát triển khá. Một trong những nét đặc trưng làm nên thương hiệu nước mắm Quảng Nham chính là nước mắm truyền thống được làm toàn bằng phương pháp ử thủ công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ sở lớn trên địa bàn xã đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, thực hiện quy trình kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện công bố các tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký nhãn mác sản phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng về sản phẩm truyền thống.
Ông Thạch Văn Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, xã Quảng Nham, cho biết: "Năm 2019, từ hộ cá thể, gia đình đã thành lập doanh nghiệp. Cùng với việc tiếp tục duy trì phương pháp sản xuất truyền thống do cha ông để lại, doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị đóng chai, các loại sản phẩm mắm truyền thống cũng được hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thành công sản phẩm OCOP. Từ đó, tạo điều kiện cho sản phẩm vươn xa trên thị trường".
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị về Đề án "Duy trì, phát triển làng nghề trên địa bàn huyện Quảng Xương", ông Lê Đại Hiệp, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Địa phương đã định hướng, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng làng nghề, máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm từ các làng nghề, gắn làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống; hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Phấn đấu đến năm 2025, huyện Quảng Xương sẽ nâng số làng nghề được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận lên 12 làng, 100% sản phẩm làng nghề được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và có ít nhất 10 sản phẩm OCOP là sản phẩm làng nghề".
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn nhiều làng nghề cũng đã khẳng định được sức sống trường tồn, sản phẩm không chỉ khẳng định sức cạnh tranh trên "sân nhà" mà còn xuất khẩu thành công như: cói mỹ nghệ (Nga Sơn), đồ mộc xã Hoàng Đạt và Hoằng Hà (Hoằng Hóa)… Các sản phẩm làng nghề đã tạo ra giá trị hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện, phát triển cơ sở hạ tầng làng nghề. Trong đó, các đơn vị đang tập trung định hướng vào các nhóm giải pháp hướng dẫn các cơ sở kết hợp kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất với việc ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng cao thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Sở khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương cùng các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tạo lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm các làng nghề, nghề tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng wbsite giới thiệu, quảng bá, tăng sức tiêu thụ và lan tỏa sản phẩm từ các làng nghề, làng nghề truyền thống.
Triều Nguyệt
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.