Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi trọng tâm của tỉnh

Địa phương
02:57 PM 19/06/2025

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã trở thành hướng đi trọng tâm, được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng. Với sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành, cùng tinh thần chủ động, đổi mới của các địa phương, doanh nghiệp và người dân, đã mở ra một diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, góp phần tạo dựng nền tảng cho một nền nông nghiệp xanh thông minh, bền vững và hiệu quả cao.

Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi trọng tâm của tỉnh- Ảnh 1.

Nông nghiệp xanh thông minh đang là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp với hệ sinh thái phong phú cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt ít nhất 20% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp - một mục tiêu hoàn toàn khả thi với đà phát triển hiện tại.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.471ha sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 5.100ha sản xuất hữu cơ và hơn 13ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. 645 sản phẩm OCOP xếp thứ 3 cả nước, trên 1.300 cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản, trong đó có khoảng 190 cơ sở nhỏ và vừa đã được đầu tư công nghệ hiện đại. Đây là nền tảng vững chắc để nâng cao giá trị nông sản và xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của tỉnh.

Nhiều mô hình hay, cách làm giỏi dựa trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao được nhân rộng. Nhờ đó, các vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng, phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Toàn tỉnh có 112 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, mỗi năm cung cấp gần 620 tấn thực phẩm ra thị trường. 36 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch trung bình 290 - 310 triệu USD/năm. 

Trên 80 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã tham gia chuỗi tiêu thụ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2023, có 50.000 ha đất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP hoặc được canh tác theo phương pháp hữu cơ. 

Hiện tại, tỉnh đã có hơn 15 ha cây trồng được chứng nhận hữu cơ và gần 6.000 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu đã đề ra. Hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh với hơn 600 đơn vị tham gia các sàn như Voso, Postmart, Shoppee, Tiki,… giúp tăng doanh số bình quân 15-20% mỗi năm.

Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi trọng tâm của tỉnh- Ảnh 2.

Trang trại gà được chứng nhận an toàn dịch bệnh của Công ty CP 3F Việt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, quy mô 20 dãy chuồng, công suất 2,4 triệu con một năm.

Điển hình như năm 2023, vải không hạt của Công ty Hồ Gươm - Sông Âm xuất khẩu sang Anh; năm 2024, gạo Lam Sơn có mặt tại thị trường Singapore là minh chứng cho chất lượng và tiềm năng của nông sản xứ Thanh.

Trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, Thanh Hóa đã triển khai thí điểm dự án tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa gạo tại xã Yên Phong, huyện Yên Định với hơn 90 ha, giúp giảm 4,84 tấn CO2/ha. Kế hoạch mở rộng lên 1.200 ha vào vụ xuân 2025, và xa hơn là 50.000 ha vào năm 2030. Việc nhân rộng mô hình này không chỉ mang lại thu nhập mới cho nông dân mà còn góp phần vào nỗ lực chung của quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại thị trấn Thiệu Hóa - địa phương đi đầu trong việc triển khai nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, với nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đã được nhân rộng, tiêu biểu là trồng dưa Kim Hoàng Hậu và rau an toàn trong nhà màng.

Anh Lê Văn Tỉnh, một trong những người tiên phong áp dụng CNC vào sản xuất, cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, từ khâu chọn giống, ươm bầu, theo dõi sinh trưởng đến thu hoạch. Chúng tôi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của Israel, phân bón sinh học và kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm chi phí, nhân công nhờ cơ chế vận hành tự động, mang lại năng suất cao hơn 1,5 lần so với phương pháp truyền thống. Quan trọng hơn, đầu ra cho sản phẩm cũng được đảm bảo khi phần lớn diện tích trồng dưa ở đây đã được doanh nghiệp và thương lái bao tiêu.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có những chuyển biến rõ nét với nhiều mô hình trang trại quy mô lớn, khép kín, áp dụng thiết bị hiện đại và bắt đầu hình thành các mô hình chăn nuôi hữu cơ. Những chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cũng được đẩy mạnh tại các huyện có điều kiện thuận lợi như Yên Định, Hậu Lộc, Thọ Xuân...

Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi trọng tâm của tỉnh- Ảnh 3.

Trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, Thanh Hóa đã triển khai thí điểm dự án tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa gạo tại xã Yên Phong, huyện Yên Định với hơn 90 ha, giúp giảm 4,84 tấn CO2/ha.

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.085 trang trại, 739.350 hộ chăn nuôi; trong đó: chăn nuôi lợn có 582 trang trại (chiếm 55% tổng đàn) và 88.070 hộ chăn nuôi; chăn nuôi gia cầm có 420 trang trại chăn nuôi (chiếm 35% tổng đàn) và 481.024 hộ chăn nuôi; chăn nuôi trâu, bò có 83 trang trại chăn nuôi trâu, bò (chiếm 15% tổng đàn) và 170.256 hộ chăn nuôi.

Những năm gần đây, nhiều trang trại cũng đã áp dụng mô hình hữu cơ, tuần hoàn vào quá trình sản xuất. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt 0,8 - 1%, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ chiếm 1- 1,5%, nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 1 - 1,2%... Hiện Thanh Hóa đã phát triển được khoảng 200 trang trại theo mô hình này, chiếm tỷ lệ trên 13%. Các trang trại cho thu nhập trung bình từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Việc mạnh dạn ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là hướng đi trọng tâm của tỉnh và mang lại "quả ngọt" cho người dân Thanh Hóa. Không chỉ tạo ra sản phẩm đạt chuẩn, nâng cao giá trị kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng linh hoạt với thị trường.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn