Thanh Hóa: Nông nghiệp công nghệ cao - xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện Thanh Hóa đã và đang có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao - xu thế tất yếu
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến xa, với các thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và số lượng các sản phẩm OCOP thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, có 196 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng. Hiện nay, Thanh Hóa có hàng trăm doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các tập đoàn chăn nuôi lớn. Không chỉ phát triển trong khối doanh nghiệp mà còn được nhân rộng và phát triển ở các HTX, tổ hợp tác và hộ cá thể, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.198 Hợp tác xã tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Bên cạnh việc mở rộng các khâu dịch vụ để phục vụ sản xuất cho người dân, các Hợp tác xã đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản.
Phần lớn các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt vai trò "cầu nối" trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa - cá, phát triển trang trại chăn nuôi tập trung... Các hợp tác xã cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Từ đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản.
Sản xuất phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao
Trong những năm qua, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa.
Điển hình, tại huyện Quảng Xương, nhằm phát huy những giá trị sẵn có từ cây rau má, anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã dày công nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, nâng tầm thành những sản phẩm có giá trị cao. Từng bước đặt nền móng xây dựng và phát triển, đưa thành phẩm từ Cây rau má đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đến nay, Công ty đã liên kết với khoảng 10 địa phương trong tỉnh để trồng rau má hữu cơ: TP Thanh Hóa, Như Thanh, Quảng Xương, Nông Cống... với tổng diện tích liên kết đạt khoảng gần 100 ha.
Năm 2021, khi tạo dựng được nguồn nguyên liệu ổn định, anh Tân đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế - chế biến rau má được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản với năng suất 1 tấn rau má tươi/ngày và bắt đầu cho ra đời các sản phẩm chế biến từ cây rau má như: bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, Bánh Trung Thu rau má…
Cũng trong năm 2021, doanh thu Công ty đạt 12 tỷ đồng, dự kiến, trong năm 2022 ước đạt 25 tỷ đồng. Hiện các sản phẩm từ cây rau má được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao và có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua rau má tươi 3.000-3.500 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má.
"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là thị trường trong nước mà còn phấn đấu đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má bản địa xứ Thanh hướng đến xuất khẩu, vươn ra thị trường nước ngoài khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi... Căn bản giúp được bà con nông dân có thể "sống vui, sống khỏe" trên chính mảnh đất quê hương mình", anh Tân chia sẻ.
Những sản phẩm chế biến từ cây rau má, không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho con người, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu địa phương, quảng bá hình ảnh Thanh Hóa với bạn bè quốc tế và từng bước khẳng định thương hiệu "Cây rau má - Sâm của người Xứ Thanh", khẳng định hướng đi của Công ty khi đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người lao động.
Đến nay, toàn huyện Quảng Xương đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến như: vùng nguyên liệu sản xuất tập trung lúa gạo chất lượng cao, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có quy mô trên 350 ha ở các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Yên,...; phát triển vùng sản xuất rau, quả tập trung trên 50 ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Quảng Lưu, Quảng Yên, Quảng Lộc,...; trồng rau trong nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao tại các xã Quảng Hợp, Quảng Lưu, thị trấn Tân Phong với quy mô trên 50.000m2; vùng sản xuất khoai tây, ớt, ngô ngọt..., liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với quy mô từ 50 - 135 ha/năm, cho thu nhập bình quân từ 175 - 180 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất giống cá chép, cá rô phi thu nhập từ 800 - 900 triệu đồng/ha/vụ; nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung diện tích 29 ha.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 1 trang trại chăn nuôi lợn ngoại thương phẩm quy mô 2 ngàn con; 5 trang trại nuôi bò thịt chất lượng; 4 trang trại nuôi gà quy mô từ 20 ngàn con trở lên; 2 trang trại nuôi thỏ quy mô từ 3 ngàn con trở lên; 2 trang trại nuôi vịt thịt và vịt sinh sản từ 10 ngàn con trở lên...
Không riêng huyện Quảng Xương, tại các huyện khác trên toàn tỉnh cũng đã đạt được những thành quả nhất định trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Thiệu Hóa, để chuyển từ nền sản xuất nhỏ, lẻ lên sản xuất tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Thiệu Hóa đã xem tích tụ, tập trung đất đai vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu của sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có 360 ha mô hình tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp, trong đó có 169 ha sản xuất theo hướng công nghiệp cao; đồng thời, đã triển khai thực hiện chuyển đổi 680 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành, như: Mô hình sản xuất lúa gạo thương phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết theo chuỗi giá trị tại thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phúc, với quy mô trên 160 ha; mô hình sản xuất rau, quả an toàn trong nhà lưới, nhà màng tại các xã Thiệu Phúc, Thiệu Hợp, Tân Châu,... thị trấn Thiệu Hóa, với quy mô trên 81.000m2.
Mục tiêu, đến năm 2025, huyện Thiệu Hóa phấn đấu cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu các sản phẩm có lợi thế. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản hằng năm đạt 4,2%. Diện tích đất được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là 650 ha. Giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt đạt 150 triệu đồng. Phấn đấu có 20 trang trại, gia trại áp dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động trong chăn nuôi quy mô công nghiệp; 60% đàn gia súc, 40% đàn gia cầm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Vụ xuân hè năm 2022, các vùng nuôi tôm tập trung ở huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn cùng nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới. Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 585 ha, với 658 hộ nuôi. Trong đó, 85 ha ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, 500 ha thâm canh trong ao bạt ngoài trời. Đây đang là lựa chọn phù hợp, khắc phục được các yếu tố bất lợi về khí hậu, môi trường nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; thủy sản lợi nhuận đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng/ha/năm. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc. Vì vậy, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên.
Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực
Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo xung lực mới cho ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất.
Thế nhưng dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh ta còn thấp. Bên cạnh đó, thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… chính là những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh ủy Thanh Hóa đã quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Thanh Hóa đã hợp tác với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các viện, trung tâm nghiên cứu trong cả nước để đào tạo cán bộ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhiều chuyên ngành khác nhau.
Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị đảm bảo phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; điển hình là đầu tư nâng cấp 4 trung tâm nghiên cứu trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, như: Cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; hỗ trợ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ giống gốc, vật nuôi; tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa còn xây dựng mã số vùng trồng cho từng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng, với 30 mã số được cấp; trong đó, có 15 mã xuất đi Trung Quốc, 15 mã xuất đi Malaysia. Để hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các lớp tập huấn xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng như chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật; thường xuyên cập nhật hệ thống dữ liệu cơ sở sản xuất lên phần mềm, tiến hành kiểm tra mẫu nước, mẫu đất theo quy định… cho cán bộ, bà con nông dân các địa phương.
Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự, thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Yến Hoàng
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.