Thanh Hóa: Phấn đấu cán đích và vượt chỉ tiêu thu ngân sách ở mức cao

Địa phương
04:10 PM 15/10/2024

9 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được con số 42.695 tỷ đồng, bằng 120% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Thanh Hóa hiện vươn lên đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và lọt Top 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.

Kế thừa kết quả của nhiều nhiệm kỳ trước, cùng với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, đã giúp tỉnh Thanh Hóa tăng thêm sức mạnh nội sinh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phát triển toàn diện.

Trước hết, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đề ra nhiều biện pháp đúng đắn, khoa học, bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ..., góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Khơi mở nguồn lực nội sinh, phát triển toàn diện

Thanh Hóa: Phấn đấu cán đích và vượt chỉ tiêu thu ngân sách ở mức cao- Ảnh 1.

Những con tàu cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Chỉ qua 9 tháng, sản lượng lương thực Thanh Hóa đã đạt hơn 1,56 triệu tấn, vượt 1,4% kế hoạch của cả năm 2024. Cùng với giá trị chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều đạt mức nghìn tỷ đồng, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang trụ vững, là nền tảng cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn hiện có 143 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 35 nghìn lao động, trong đó có hai dự án công nghiệp chủ lực, quy mô lớn là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng vừa trải qua 9 tháng năm 2024 với nhiều thuận lợi và cả những khó khăn thách thức không thể lường trước. Trong khi đó phải kể đến cơn bão số 3, 4 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Song, bằng sự nỗ lực lớn nhất, quyết tâm cao nhất và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã vượt qua nhiều thách thức, trở ngại khách quan lẫn chủ quan, để cán đích nhiều chỉ tiêu quan trọng đã được đề ra từ đầu năm 2024.

Điểm sáng nổi bật trên bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng là kinh tế duy trì tăng trưởng cao và trên từng lĩnh vực đều có bước phát triển tích cực. Đó là, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,46, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang). Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp-xây dựng tăng 18,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,02%.

Từ cách tiếp cận và hướng đi trúng, đúng; bộ ba "thế chân kiềng" để phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tiếp tục đạt được những thành tích nổi trội. Đáng kể nhất, dấu ấn nổi bật nhất trong lĩnh vực nông nghiệp phải kể đến như tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,56 triệu tấn, bằng 101,4% kế hoạch. 

Đặc biệt, trong 9 tháng có thêm 1 huyện, 4 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 364/465 xã, 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 110 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã, 508 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, Hội đồng Thẩm định Trung ương đã thẩm định, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. 

Ngoài ra, toàn tỉnh có thêm 68 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 531 sản phẩm.

Thanh Hóa: Phấn đấu cán đích và vượt chỉ tiêu thu ngân sách ở mức cao- Ảnh 2.

Thi công xây dựng Nhà máy cơ khí chế tạo công nghệ cao Nghi Sơn.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh để khẳng định vai trò nền tảng quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ; có 16/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng và một số sản phẩm tăng mạnh. Một điểm sáng nổi bật trong thời gian qua là Thanh Hóa đã tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường dây 500 Kv mạch 3 từ Quảng Bình đến Phố Nối (Hưng Yên) đoạn đi qua địa bàn Thanh Hóa đảm bảo tiến độ. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực góp phần đưa dự án về đích theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Triển vọng trở lại "Câu lạc bộ 50.000 tỷ"

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), cùng với số thu từ thuế giá trị gia tăng nhập khẩu dầu thô, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, các hoạt động phụ trợ cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng dự kiến sẽ mang lại nguồn thu khoảng 5.000 tỷ đồng từ thuế các dịch vụ cung ứng đầu vào cho nhà máy.

Cũng theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, không chỉ dừng lại ở "hạt nhân" của nhà máy lọc hóa dầu, bước sang năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KKTNS&CKCN vẫn cơ bản ổn định. Các doanh nghiệp đã tạo ra khối lượng hàng hoá với giá trị hơn 200.251 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; mang lại nguồn thu ngân sách lên tới 2.151 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ...

Thanh Hóa: Phấn đấu cán đích và vượt chỉ tiêu thu ngân sách ở mức cao- Ảnh 3.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Ngoài số thu tăng trưởng từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu nội địa cũng có bước tăng trưởng rất tích cực, với 14/17 lĩnh vực có số thu đạt khá cao so với dự toán và 13.14 lĩnh vực tăng thu so với cùng kỳ.

Cùng với đó, với số thu nội địa đạt 26.194 tỷ đồng, nguồn thu này hiện đã vượt 119% dự toán và tăng 45,7% so với cùng kỳ. Một số khoản thu có tỷ trọng lớn đạt cao so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ như: Thu tiền sử dụng đất đạt 10.447 tỷ đồng, tăng 37,5% so với dự toán và tăng 105,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.311 tỷ đồng, vượt 131% dự toán và tăng 18,1%...

Nếu tiếp tục giữ "phong độ" thu ngân sách như hiện nay, những tháng còn lại của năm 2024, Thanh Hóa sẽ quay lại "câu lạc bộ 50.000 tỷ đồng", tạo thêm mốc lịch sử thu ngân sách cao nhất kể từ trước tới nay.

Theo đó, Thanh Hóa đang nỗ lực thu hút thêm nhiều dự án mới có tầm cỡ và chất lượng cao tại KKTNS&CKCN, tiếp tục phát triển bất động sản công nghiệp; đồng thời đầu tư hạ tầng đồng bộ để tạo sức hút đầu tư; quyết liệt chỉ đạo triển khai sớm đưa các nhà máy đã chấp thuận chủ trương đi vào vận hành sản xuất. Đây là định hướng lớn, mục tiêu lớn của tỉnh Thanh Hóa trong lộ trình tăng trưởng, cũng như duy trì vị thế vững chắc trong "câu lạc bộ 50.000 tỷ đồng" của cả nước.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn