Thanh Hóa: Phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP trong năm 2023

Địa phương
04:30 PM 09/02/2023

Chỉ riêng trong tháng 1 năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 37 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh 3 sao và 4 sao. Kết quả này đang tạo động lực cho các địa phương, đơn vị, chủ thể sản xuất phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt 120 sản phẩm OCOP trong năm 2023.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm lợi thế, gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp... tỉnh Thanh Hóa xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Bởi vậy, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế cũng như vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP.

Thanh Hóa: Phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP trong năm 2023 - Ảnh 1.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp VAC ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa

Cho đến cuối năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm OCOP của 158 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố; trong đó 2 sản phẩm xếp hạng 5 sao Quốc gia, 50 sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 184 sản phẩm OCOP hạng 3 sao và cũng từ cuối năm 2022, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các địa phương rà soát, lựa chọn những sản phẩm lợi thế, có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP để đăng ký thực hiện. 

Bên cạnh đó, theo quy định xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải có ít nhất 1 sản phẩm OCOP 3-4 sao, vì thế, các địa phương đều quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể hoàn thiện sản phẩm để được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương cho biết, trong lộ trình xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, địa phương đã rà soát định hướng ngoài sản phẩm trứng gà sạch, địa phương xây dựng cây thanh long ruột đỏ. Hiện mô hình này đã có chứng nhận Viett GAP, diện tích đủ điều kiện xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới đây.

Thanh Hóa: Phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP trong năm 2023 - Ảnh 2.

Sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đã vào cuộc tích cực hơn, thu hút đông đảo các thành phần kinh tế tham gia. Tỉnh, cũng như các huyện, thành phố đều có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đây chính là những thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023. Tổ giúp việc chương trình OCOP cấp tỉnh cũng thường xuyên đi kiểm tra tiến độ triển khai của các địa phương, để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Nhận thấy ý nghĩa, lợi ích chương trình OCOP, các chủ thể sản xuất đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình Hội đồng cấp tỉnh chấm điểm, công nhận đạt chuẩn trong năm 2023.

Thanh Hóa hiện là tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã được bán rộng rãi trong cả nước bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua các sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia "Mắm tôm, mắm tép Lê Gia" (huyện Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường và vùng lãnh thổ Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi.

Qua khảo sát đánh giá sơ bộ của tổ quản lý Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, 100% các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng gần 30-40% so với trước khi tham gia chương trình, có sản phẩm tăng hơn 2 lần, cá biệt có sản phẩm tăng 4-5 lần.

Thanh Hóa: Phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP trong năm 2023 - Ảnh 3.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Chương trình OCOP đã tạo ra một môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất. Hơn nữa, qua đó khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu năm 2023, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh đã đề ra kế hoạch, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các huyện. Tích cực tăng cường hỗ trợ các chủ thể, phối hợp cùng các ban ngành hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm, nâng cấp quy mô sản xuất, quy hoạch các vùng nguyên liệu. 

Bên cạnh đó, các địa phương phải cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo để thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; huy động hiệu quả nguồn lực phù hợp với các quy định của pháp luật. Tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh cũng như nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình OCOP và hoạt động xúc tiến xuất khẩu để đưa ngày càng nhiều sản phẩm OCOP của Thanh Hóa ra thị trường quốc tế.

Với những tiềm năng đa dạng về sản phẩm cùng kinh nghiệm và sự chủ động của các chủ thể sản xuất, theo đánh giá của Văn phòng điều phối Nông thôn mới, tỉnh Thanh Hóa có thể hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch số lượng sản phẩm OCOP năm 2023.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.