Thanh Hóa: Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa để “giữ lửa” truyền thống

Địa phương
10:23 PM 09/05/2024

Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa. Đây là mạch nguồn mang sức lan tỏa, là nguồn lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế - xã hội.

Di tích lịch sử - Văn hóa được coi là một "bảo tàng sống" gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông.

Vì thế, việc quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh coi là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó góp phần "giữ lửa" những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông ta đã dày công xây dựng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

Thanh Hóa: Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa để “giữ lửa” truyền thống- Ảnh 1.

Quần thể Di tích lịch sử Lê Thì Hiến ở xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó, các di tích đã được xếp hạng là 856 di tích, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa và Trung ương công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều di tích cấp Quốc gia trọng điểm như Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền Bà Triệu, Thái miếu nhà Lê, đền Đồng Cổ; các di tích Quốc gia quan trọng như đền thờ Lê Hoàn, đền Độc Cước... đã được Trung ương đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Nguồn ngân sách kinh phí địa phương hỗ trợ chống xuống cấp cũng ngày một tăng, từ 30 đến 60 tỷ đồng/mỗi năm, không kể nguồn kinh phí kêu gọi xã hội hóa bình quân gấp 5-7 lần hỗ trợ của Nhà nước/năm, đã trở thành sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh phục vụ đời sống tâm linh, hấp dẫn du khách tham quan.

Bên cạnh đó, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là vùng văn hóa phi vật thể với nhiều sắc thái đặc sắc, riêng có của mỗi dân tộc, phản ánh văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng phong phú, đa dạng, nhưng thống nhất trong không gian chung của vùng đất xứ Thanh. Cùng với đó, Thanh Hóa còn có nguồn tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể vô cùng to lớn, cả về số lượng lẫn giá trị khoa học, văn hóa. Với hàng nghìn lễ hội, lễ tục, các trò chơi, trò diễn dân gian, các nghề thủ công truyền thống...

Mỗi khi có dịp đến quần thể Di tích lịch sử - Văn hóa Lê Thì Hiến ở xã Thọ Phú (huyện Triệu Sơn), người ta không khỏi trầm trồ bởi di tích nằm ở vị trí đắc địa, một không gian tĩnh lặng, linh thiêng, với khuôn viên xanh mát được bao phủ bởi hệ thống cây cổ thụ và xung quanh được bao phủ bởi dòng sông nhà Lê.

Theo sử sách ghi lại, di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Lê Thì Hiến (1610-1675). Ông sinh trưởng ở làng Phú Hào, huyện Lôi Dương, nay là thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những vị tướng có tài thao lược quân sự. Trong sự nghiệp binh đao của mình, ông đã được triều đình ban thưởng nhiều huân danh cao quý. 

Năm Kỷ Hợi 1659 được phong Thiếu bảo, trấn thủ Nghệ An, Sơn Tây, Tuyên Quang. Năm Giáp Thìn 1674 ông được thăng Thái phó. Ông mất năm Ất Mão (1675), thọ 66 tuổi, được truy tặng Thái tể, tên thụy là Nghiêm Trí, phong làm phúc thần. Sau khi ông mất, triều đình đã cho xây dựng đền thờ và khu lăng tẩm ngay tại quê nhà làng Phú Hào, xã Thọ Phú.

Trước đây, di tích có 18 pho tượng được làm bằng đá khối, đường nét hoa văn tinh xảo, voi đá, ngựa đá, ông phỗng ngồi chầu, bia đá và bàn thờ bằng đá. Tuy nhiên, trải qua thời gian, do ảnh hưởng của chiến tranh, và cả do yếu tố chủ quan, thờ ơ, không mấy mặn mà với di tích; vì thế, khu di tích chỉ còn một số hiện vật, như: Văn bia, sập đá, hương án, ngựa đá, voi đá...

Thanh Hóa: Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa để “giữ lửa” truyền thống- Ảnh 2.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thọ Xuân với không gian yên bình, trong lành.

Tự hào vì địa phương có di tích lịch sử - văn hóa vô cùng quan trọng, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú Nguyễn Xuân Quy chia sẻ: "Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Lê Thì Hiến là niềm tự hào của người dân nơi đây, vì thế đặt ra những trọng trách lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể và nhân dân trong xã quan tâm, ủng hộ. Hàng tuần, chúng tôi đều tổ chức quét dọn, vệ sinh khu di tích để giữ cảnh quan luôn sạch đẹp. Vào các dịp lễ, tết, những sự kiện trọng đại của đất nước, các hội đoàn thể và nhân dân trong xã thường đến đây để dâng hương, tri ân và coi đây là dịp mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ ôn lại truyền thống cách mạng của các thế hệ ông cha".

Trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện có 30 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng đã được xếp hạng. Trong đó, có 4 di tích xếp hạng quốc gia, 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và Nhân dân quan tâm thực hiện. Hiện một số di tích trọng điểm như di tích lịch sử quốc gia danh lam thắng cảnh, địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm: Núi Nưa, đền Nưa, Am Tiêm đã được lập quy hoạch. Các di tích khác đang được huyện thực hiện trong những năm tiếp theo.

Cùng với đó, trong những năm gần đây toàn huyện đã có 10 di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp. Tiêu biểu như quần thể Di tích lịch sử- Văn hóa Lê Thì Hiến và các bia tướng họ Lê Thì (xã Thọ Phú), Chùa Hòa Long (xã Tiến Nông), Đình Tam Lạc (xã Xuân Thọ), nhà thờ Quận công Lê Thân (thị trấn Nưa)... Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, đã góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh quê hương Triệu Sơn, thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu.

Hà Trung cũng là huyện có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú và đa dạng, với 63 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Những năm qua, huyện luôn xác định việc quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa , giá trị của di tích nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong viêc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng di tích từ đó lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo dựa trên các nguồn khác nhau. Theo thống kê, từ năm 2018 đến 2023, huyện đã huy động khoảng 60 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau để tu bổ, tôn tạo các di tích đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ ...

Để phát huy giá trị các di tích, hàng năm Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đều phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa của địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế. Ở một số địa phương, công tác quản lý, tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại di tích thiếu chặt chẽ, làm nảy sinh trình trạng lộn xộn, phức tạp. Công tác quy hoạch, xây dựng, tôn tạo các công trình có ảnh hưởng đến di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi chưa được cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền cho phép còn xảy ra.

Thanh Hóa là vùng "địa linh nhân kiệt", nơi có bề dày truyền thống văn hóa. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê. Các di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo đã góp phần làm cho diện mạo trở nên khang trang, xứng tầm với giá trị vốn có của nó. Từ đó, trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách. Tiêu biểu trong đó phải kể đến một số di tích như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, đến Bà Triệu, đền Sòng, Am Tiên...

Di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng là sự kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của ông cha ta. Do vậy, bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị các di tích vừa là trách nhiệm, vừa là giải pháp nhằm góp phần xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.