Thanh Hóa: Phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch
Với nhiều lợi thế từ vị trí, khí hậu, cảnh quan, đến văn hóa, ẩm thực… Thanh Hóa hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành khu vực du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến lý tưởng, độc đáo của khách du lịch trong nước và quốc tế suốt 4 mùa.
Thanh Hóa lâu nay được biết đến với nhiều điểm đến đẹp và những trải nghiệm thú vị. Không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…, mà Thanh Hoá còn có nhiều di tích, điểm tham quan đặc sắc như Pù Luông, thành Nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Thủy, vườn quốc gia Bến En…, cùng những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đặc sắc riêng có.
Thời xa xưa, người Pháp đã sớm chọn Sầm Sơn là một trong những điểm nghỉ mát yêu thích cùng với SaPa, Đà Lạt, Bà Nà…, du khách có thể đến đây cả 4 mùa trong năm để tận hưởng khí hậu biển trong lành và nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe.Tuy nhiên, dù hội đủ nhiều thế mạnh cho du lịch 4 mùa, Thanh Hóa mới chỉ khai thác chủ yếu vào dịp hè và xét về thời gian lưu trú, phần lớn là lượng khách lưu trú ngắn ngày, từ 1-2 đêm.
Ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy Sầm Sơn đã có lý và cho rằng: "Du lịch Sầm Sơn những năm qua đã đạt được nhiều thành quả rất đáng khích lệ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, du lịch cần thay đổi về tư duy, cách làm và nhất là cần cú hích mạnh mẽ về mọi phương diện".
Từ những chủ trương và tầm nhìn đó. Với chiến lược đầu tư đồng bộ của tỉnh và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ. Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một thành phố du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ của những năm cũ. Trong đó, sự tham gia của Sun Group - Tập đoàn phát triển bất động sản, du lịch và hạ tầng hàng đầu Việt Nam hứa hẹn sẽ đưa du lịch Thanh Hóa "Bay cao và vươn xa" trong thời gian tới.
Tại đây, Sun Group đã và đang phát triển mô hình hệ sinh thái du lịch - nghỉ dưỡng – giải trí tầm cỡ quốc tế, với khu vui chơi giải trí cao cấp, kết hợp nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi, biển, tắm khoáng nóng, chuỗi thương mại dịch vụ đa dạng tại Sầm Sơn, Bến Em, Quảng Xương…, về nội dung này, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sun Group vùng Thủ đô chia sẻ: Một tổ hợp dự án quy mô 310 ha với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD sẽ được Tập đoàn này kiến tạo tại Sầm Sơn, gồm các dự án đẳng cấp như Sun Grand BouLevard (69,9ha), công viên Sun Word (33,6 ha), khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Đơ (29 ha)…
Trong đó, đô thị phức hợp Sun Grand BouLevard với hai hạng mục quan trọng là quảng trường biển sức chứa hơn 10.000 người và trục đại lộ trung tâm rộng 120 m, dài 2,6 km- nối liền quảng trường biển với khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ được đánh giá sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển bứt phá của kinh tế - du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Mong rằng những dự án cao cấp, khác biệt mà chúng tôi mang đến cho Thanh Hóa sẽ tạo ra sức hút về du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng góp phần thay đổi tư duy, hình thành cách tiếp cận du lịch mới đối với người dân và du khách, biến Thanh Hóa từ điểm đến một mùa thành điểm đến quanh năm, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đặc biệt, mô hình quảng trường kết hợp đại lộ xa hoa cùng hệ thống Shophouse, nhà hàng đẳng cấp của Sun Grand BouLevard sẽ góp phần tạo dựng cuộc sống sôi động về đêm. Ở đó cả du khách và người dân Sầm Sơn có thể thỏa thích tận hưởng những chương trình giải trí, nghệ thuật sôi động, trải nghiệm mua sắm và ẩm thực tưng bừng, đưa Sầm Sơn trở thành thỏi nam châm hút khách trong nước và quốc tế, cũng như nâng mức chi tiêu của khách du lịch.
Hơn nữa, Sầm Sơn được biết đến là nơi "Sơn kỳ, thủy tú", với bãi biển đẹp, núi non trùng điệp, khí hậu trong lành, cùng nhiều di tích, danh thắng kỳ thú, đã tạo nên những giá trị văn hóa, du lịch độc đáo, nổi trội, mang bản sắc riêng biệt. Theo đó, Sầm Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng; văn hóa du lịch chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện, đã làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị du lịch, qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, cải thiện mạnh mẽ hình ảnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Lợi thế từ những giá trị văn hóa lịch sử
Sầm Sơn không chỉ có biển, thiên nhiên còn phú cho nơi đây một sắc màu lung linh huyền thoại trong quần thể thắng tích: Một hòn Trống Mái tình tứ, lãng mạn ngự trên dãy Trường Lệ; một đền Độc Cước uy nghi thể hiện khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã… bảo vệ sự bình yên cho người dân Xứ Thanh; một đền Cô Tiên chênh vênh trên vách núi, hữu tình mà ẩn chứa bao điều kỳ bí. Xa xa là đảo, là mênh mông biển cả… như muốn nhắc nhở mỗi chúng ta phải giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, quê hương.
Hiếm có một vùng đất nào ở xứ Thanh vẫn còn những di tích gắn liền với những câu chuyện huyền thoại, in đậm trong tâm thức nhân gian như ở Sầm Sơn này. Một truyền thuyết Độc Cước- Chàng trai đuổi giặc bảo vệ quê hương xứ sở, một Bà Triều – tổ nghề chài lưới, lao động dựng xây. Cả hai câu chuyện đều phản ánh ước nguyện của cư dân chài lưới cầu cho cuộc sống đủ đầy, yên ấm và đó cũng chính là niềm mong ước tự bao đời của những người con dân đất Việt.
Đến Sầm Sơn du khách được đắm mình trong huyền thoại của đá và núi. Sừng sững Trường Lệ bao đời đổ bóng xuống tâm thức dân gian.
Với dòng nước biển trong xanh mát lành, những bãi cát trắng mịn trải dài dưới nắng, du khách đến du lịch biển Sầm Sơn sẽ được thả mình trong thế giới vô tận của thiên nhiên, lắng nghe tiếng sóng biển vỗ về, cảm nhận tiếng rì rào của những rặng phi lao trong gió. Quả đúng như Le Breto, học giả người Pháp từng nhận xét: "Sầm Sơn là bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe".
Vậy nên, cái mặn mòi, quyến rũ của Sầm Sơn còn là những con sóng bạc đầu nhấp nhô bờ cát dài lấp lóa, là dãy Trường Lệ thuôn dài như người con gái ngủ quên bên cánh sóng, là những hải sản gom nhặt vị ngọt từ mặn chát của biển dâng đời và có cả trong men nồng của những buổi hoàng hôn bên biển biếc…kể sao cho hết những cảnh sắc tuyệt vời mà Sầm Sơn đang ôm trọn trong lòng.
Sầm Sơn hôm nay, mang sức trẻ của một cô gái mười tám đôi mươi. Tất cả đều căng tràn nhựa sống! Một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, một sân golf 18 lỗ hạng links đẳng cấp nhất Việt Nam và khu vực, cùng hàng trăm khách sạn, nhà hàng cao cấp… đã bừng lên sắc thắm gọi mời du khách muôn phương! Càng đi, càng khám phá du khách càng cảm thấy ngỡ ngàng trước những bức tranh thiên nhiên kỳ thú đó.
Với non nước biển trời đẹp như tranh, lại có không gian chiêm bái, những biểu tượng cao cả, thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, giao cảm với thiên nhiên, khiến du khách đến đây như trút bỏ được mệt mỏi, ưu tư căng thẳng sau những ngày làm việc vất vả, giúp họ cân bằng đời sống và tăng thêm nghị lực để vượt lên chính mình.
Khát vọng đưa du lịch "Bay cao, vươn xa"
Thanh Hóa là vùng đất trọng yếu, "cầu nối" giữa các tỉnh Bắc Trung bộ, có nhiều đóng góp to lớn vào tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhắc đến Xứ Thanh là nhắc đến quê hương của những di sản văn hóa vật thể, với 11 di sản văn hóa phong phú, đặc sắc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo nên bức tranh văn hóa đặc trưng, sinh động, hấp dẫn, góp phần làm cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ.
Ngoài ra, cảnh quan tự nhiên dọc hai bờ sông Mã, sông Đơ cũng là điều kiện lý tưởng để Sầm Sơn phát triển các tuyến du lịch sinh thái trên sông, trên biển. Xuất phát từ Cửa Hới ở phía Bắc, du khách có thể đi thuyền đến Hòn Mê và xa hơn về phía Nam, hoặc ngược dòng sông Mã đi thăm các di tích Hàm Rồng, Lam Sơn, di tích triều vua Lê và các di tích, danh thắng khác trong tỉnh.Với sự đa dạng về tài nguyên, Thanh Hóa có thể khai thác phát triển du lịch trải dài 4 mùa trong năm với những sắc thái riêng, độc đáo, hấp dẫn.
Với kết quả triển khai công tác quy hoạch, cũng như đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Thanh, ông Phạm Nguyên Hồng, tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch cho biết: "Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch du lịch, nhiều đề án phát triển du lịch được phê duyệt, làm định hướng cho hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa phát triển, như: Đề án Phát triển du lịch mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các Lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch; Đề án phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn; các đề án phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương: Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Như Thanh…; đồng thời tập trung huy động nguồn lực lớn đầu tư cho du lịch, tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch. Đó là quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En (giai đoạn 1: 4.960 tỷ đồng) và khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (giai đoạn 1: khoảng 10.000 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; khu đô thị sinh thái, du lịch ven sông Mã (2.200 tỷ đồng) của Tập đoàn FLC…với kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động sẽ cơ cấu lại sản phẩm , đáp ứng du lịch 4 mùa, thị trường khách du lịch đến Thanh Hóa theo hướng tăng lượng khách du lịch quốc tế và khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày".
Ông Phạm Nguyên Hồng nhấn mạnh: Để phát triển du lịch một cách bền vững, trong thời gian tới, ngành du lịch Thanh Hóa đặc biệt quan tâm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch như: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch biển, gắn với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm du lịch biển, hình thành sản phẩm du lịch biển cao cấp. Quy hoạch, tổ chức lại hàng quán, hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí, ẩm thực, các hoạt động kinh tế ban đêm phục vụ phát triển du lịch tại các khu du lịch biển. Phát huy sản phẩm du lịch di sản văn hóa, tâm linh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống.
Thực tế, đã chứng minh, với lượng du khách dịp nghỉ lễ (30/4 và 1/5) vừa qua, Thanh Hóa đón gần 900.000 lượt khách, doanh thu gần 2.000 tỉ đồng; thuộc top đầu cả nước. Điều đó cho thấy, ngành dịch vụ du lịch có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả, lượng khách và doanh thu tăng cao.
Bên cạnh đó, ngành du lịch thường xuyên tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng lao động trực tiếp, mở các lớp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên, đội ngũ bán hàng và ý thức bảo vệ môi trường, thái độ văn minh lịch sự trong giao tiếp với khách du lịch.
Ông Hồng lưu ý: Để phát triển du lịch 4 mùa trong năm, ngành du lịch đặc biệt quan tâm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch như: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch biển, gắn với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm du lịch biển, hình thành sản phẩm du lịch biển cao cấp. Bổ sung các sản phẩm du lịch sinh thái biển, du lịch cộng đồng tại các làng chài biển, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, các chương trình nghệ thuật, hoạt động thể thao biển nhằm tăng sức hấp dẫn, khắc phục tính mùa vụ đối với du lịch biển. Quy hoạch, tổ chức lại hàng quán, hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí, ẩm thực, các hoạt động kinh tế ban đêm phục vụ phát triển du lịch tại các khu du lịch biển.
Đồng thời, Thanh Hóa không quên phát triển sản phẩm du lịch di sản văn hóa, tâm linh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển du lịch truyền thống, đặc trưng: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Lê Hoàn…; phục dựng, xây dựng mới các lễ hội tại các khu di tích trọng điểm của tỉnh nhằm quảng bá, góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa.
Đặc biệt coi trọng phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh thái, cộng đồng tại các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Thạch Thành…khám phá thiên nhiên tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị cảnh quan độc đáo như: Vườn quốc gia Bến En, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên…tổ chức thể thao mạo hiểm, marathon băng rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông…
Có thể nói, ngành dịch vụ du lịch có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả, lượng khách và doanh thu ngày càng tăng. Đó là kết quả từ việc đã phát huy được những tiềm năng lợi thế sẵn có, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn; mở ra một thời kỳ mới cho du lịch Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung; với khát vọng "bay cao vươn xa" du lịch 4 mùa của Thanh Hóa sẽ phát triển vững chắc.
Triều NguyệtCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.