Thanh Hóa: Phát huy truyền thống nhân lên khát vọng thịnh vượng

Địa phương
05:33 PM 16/01/2023

Thanh Hóa có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, không chỉ có tính chiến lược của tỉnh Thanh Hóa, từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã coi đây là vùng đất "phên dậu" của đất nước. Đến thế kỷ XIX, nhà sử học Phan Huy Chú xác định Thanh Hóa "là một trấn quan trọng", "nơi xung yếu". Vị trí đó đã tạo nên một vùng văn hóa có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng để đến ngày nay Thanh Hóa đang phấn đấu vươn mình thực hiện hóa khát vọng thịnh vượng…

Từ vùng đất lịch sử - văn hóa

Trải qua một thời kỳ dài hàng nghìn năm trong công cuộc dựng nước và giữ nước đã để lại cho Thanh Hóa ngoài hệ thống di sản thiên nhiên giàu đẹp là các di sản văn hóa phong phú và đa dạng. 

Chỉ tính riêng di sản văn hóa phi vật thể, toàn tỉnh hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 853 di tích đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 1 di sản văn hóa thế, 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia 707 di tích cấp tỉnh.

Thanh Hóa: Phát huy truyền thống nhân lên khát vọng thịnh vượng - Ảnh 1.

Đại lộ Nguyễn Hoàng với nhiều công trình kiến trúc hiện đại điểm tô thêm sự phát triển của TP Thanh Hóa

Xứ Thanh còn là nơi phát tích nhiều triều đại phong kiến với những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Từ đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ - một hào trưởng người làng Giàng – Dương Xá (nay là phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) đứng đầu Nhà nước Việt Nam thời kỳ tự chủ ở thế kỷ X. 

Gần 50 năm sau, năm 979, sau khi Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng bị Đỗ Thích ám hại, thái hậu Dương Vân Nga cùng với tướng sĩ đồng lòng tôn Lê Hoàn (ở Trung Lập, xã Xuân Lập huyện Thọ Xuân) lên ngôi hoàng đế. Ông chính thức trở thành vị hoàng đế mở đầu triều đại nhà Tiền Lê. 

Đến năm 1400, Hồ Quý Ly phế bỏ triều Trần, thiết lập triều Hồ (1400-1407), dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Tây đô (Vĩnh Lộc) trở thành kinh đô của nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Sau thất bại của nhà Hồ trước cuộc xâm lược của quân Minh, đầu thế kỷ XV, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã vùng lên đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành độc lập dân tộc. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế và thành lập vương triều Lê Sơ (1428-1527)…

Xứ Thanh không chỉ là vùng đất văn hóa, nơi đây còn là vùng đất cách mạng. Trải qua thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đến thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ và thời kỳ chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX vị trí của đất và người Xứ Thanh có vai trò quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.…

Thanh Hóa: Phát huy truyền thống nhân lên khát vọng thịnh vượng - Ảnh 2.

Trung tâm thương mại Vincom, khu vực trung tâm thành phố Thanh Hóa

Khơi nguồn nội lực và viết tiếp tương lai

Ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Thanh Hóa ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến. Lần đầu vào thăm Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ phải xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, đảm trách hậu phương của cuộc kháng chiến. Chính sự kích lệ và niềm tin tưởng của Người, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tròn trách nhiệm "là mảnh đất phên dậu" của Tổ quốc.

Thực hiện mong ước và lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ giúp đỡ của các địa phương và đồng bào cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. 

Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, Thanh Hóa đã vươn lên đứng trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh của cả nước; tạo dựng được nền kinh tế - xã hội ngày càng vững chắc trên  tất cả các mặt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Thanh Hóa nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã khẳng định, Thanh Hóa là tỉnh đông dân nên phải khai thác lợi thế này, cùng với phát huy truyền thống lịch sử hào hùng và các tiềm năng, thế mạnh khác để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống của người dân Thanh Hoá ngày càng ấm no, hạnh phúc…

Thanh Hóa: Phát huy truyền thống nhân lên khát vọng thịnh vượng - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Thanh Hóa. Và đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Bí Thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khảo sát chỉ đạo tại các địa phương

Có thể nói: Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Đây cũng là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 ngày 5-8-2020 và Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Các chính sách đặc thù không chỉ cho thấy sự kỳ vọng của Trung ương dành cho mảnh đất giàu truyền thống và đang phát triển năng động; mà còn góp phần thôi thúc ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện hóa mục tiêu sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quyết nghị các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh… phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch (11,5%) và đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 và giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng vẫn phát triển khá toàn diện. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện; năm 2022, có 02 đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 134 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng cường kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động. Đã giải quyết việc làm mới cho 58.950 lao động (có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh còn khoảng 5,05%, giảm 1,72% so với năm 2021, vượt kế hoạch (kế hoạch giảm 1,5%)…

Đó trước hết là những con số tăng trưởng ấn tượng, đã góp phần nâng cao vị thế của Thanh Hóa trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để phấn đấu đạt được mục tiêu nêu trên, hơn lúc nào hết, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và khát vọng thịnh vượng của quê hương. 

Năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục xác lập kỷ lục mới về thu ngân sách và vượt nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hạch 11, 5%) và đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội hết sức quan trọng kể trên tiếp tục là minh chứng về tầm nhìn và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Một trong những nguyên nhân căn bản của thành tựu đã được chỉ ra và nhiều lần khẳng định, đó là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ, trong Nhân dân được tăng cường. Để rồi, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục nắm lấy kim chỉ nam là tinh thần đoàn kết để thôi thúc tinh thần sáng tạo, đổi mới và khát vọng phát triển thịnh vượng.

Điều đó cho thấy trong xu thế phát triển có sự kết nối truyền thống, trong thách thức có cơ hội và đây chính la thời điểm "thiên thời- địa lợi- nhân hòa" để Thanh Hóa bứt phá vươn lên thực hiện khát vọng thịnh vượng.

Khát vọng ấy đã được người đứng đầu tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện mãi mãi noi theo gương Bác, làm theo lời Bác, đi theo con đường Bác đã lựa chọn; quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh "kiểu mẫu" như lúc sinh thời Bác hằng mong muốn.

Những thành tích quan trọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ là bước tạo đà quan trọng để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn những năm tiếp theo, thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dưng và phát triển tỉnh Thanh Hóa; hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Người.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn