Thanh Hóa: Phát huy vai trò phường, xã là "pháo đài" chống dịch

Địa phương
05:33 PM 11/09/2021

Khi nói "phường, xã là pháo đài chống dịch" thực chất là nhằm khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở; đồng thời đề cao vị trí, tầm mức ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với sự thành bại của nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, chủ trương và phương châm của Chính phủ đưa ra là: "Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong công tác phòng, chống dịch". Phương châm này liên tục xuất hiện với tần suất lớn, mật độ dày trên các phương tiện báo chí, truyền thông đại chúng và được các cấp lãnh đạo nhắc lại nhiều lần khi trực tiếp đến chỉ đạo, kiểm tra, làm việc tại các cơ sở đang là "điểm nóng" của dịch bệnh.

Xã, phường là hệ thống chính trị gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, là cấp quản lý hành chính ở cơ sở mọi mặt với nhân dân, và là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị vào cuộc ngay tại xã, phường. "Người dân là chiến sĩ, là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch" nhằm nhấn mạnh vị trí, vai trò có ý nghĩa quyết định của mọi người dân trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19".

Thanh Hóa: Phát huy vai trò phường, xã là "pháo đài" chống dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên phải) kiểm tra một trạm y tế lưu động tại TP HCM, ngày 26-8 vừa qua

Sức mạnh của nhân dân là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của khối đại đoàn kết, do đó việc huy động sức dân, làm cho mọi người dân đồng tình, ủng hộ và chủ động, tích cực, tự giác tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ nhằm phát huy sức mạnh tổng lực để sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, mà còn góp phần khơi thông ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm này. Thực hiện tốt vấn đề này chính là quán triệt, cụ thể hóa cơ chế vận hành "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Việc vận dụng sức mạnh, tinh thần đoàn kết của nhân dân để triển khai những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 chính là mô hình " lấy sức dân để lo cho dân", tạo nên sức mạnh lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, đi sâu vào từng ngõ, thôn, xóm, ăn sâu vào nhận thức của mỗi người dân. Biến nguy thành an, biến khó thành dễ, bị động thành chủ động từ đó đưa ra phương án, quyết sách phù hợp với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh. Như vậy, mỗi người dân là một mắt xích và phường, xã là một chuỗi gắn kết các mắt xích đó lại với nhau thành một thể thống nhất, bền vững, tạo đà cho công tác phòng chống dịch đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Muốn xã, phường thật sự trở thành pháo đài chống dịch hiệu quả thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền phải có tầm nhìn bao quát, xuyên suốt, phải biết xây dựng các phương án, kế hoạch "tác chiến" chống dịch một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý, kinh tế, xã hội, phong tục văn hóa và tình hình dịch tễ ở địa phương; đồng thời biết bố trí, sử dụng các lực lượng, đội hình chống dịch một cách hợp lý; có sự phân công, phối hợp rõ ràng, hiệu quả của các thành phần tham gia chống dịch gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân trên từng vị trí công tác. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, ai vào việc đấy, đúng vai thuộc bài, không ai làm thay ai, tất cả phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thanh Hóa: Phát huy vai trò phường, xã là "pháo đài" chống dịch - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành uỷ, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 (người đứng giữa) đi kiểm tra đột xuất tại một chốt kiểm soát

Song song đó, việc tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách với phương châm ai có của góp của, ai có công góp công để dồn sức cho công tác phòng, chống dịch. Người dân chủ động hưởng ứng, tích cực tham gia cùng hệ thống chính trị. Huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự ủng hộ của cá nhân, tập thể trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để mỗi người dân trở thành một chiến sĩ phòng, chống dịch thì yêu cầu cán bộ cơ sở (xã/phường, thôn/bản, khu/tổ dân phố) phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động, hướng dẫn nhân dân hiểu biết và nắm được các kỹ năng cơ bản trong việc bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng trên địa bàn cư trú.

Phương châm của chúng ta là bằng mọi cách sớm khống chế, kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, đưa cuộc sống của người dân và mọi hoạt động của xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Nhưng ý chí chính trị muốn thành công phải được thông qua thể hiện bằng năng lực quản trị. Nói một cách cụ thể hơn, để phòng, chống dịch hiệu quả ở địa bàn cơ sở, thì đội ngũ cán bộ phải thường xuyên được cập nhật, tiếp cận những kiến thức, kỹ năng cơ bản về khả năng quản trị khủng hoảng thảm họa dịch bệnh, từ đó có cơ sở để xây dựng xã, phường trở thành pháo đài chống dịch và có cách tác động, giáo dục, thuyết phục để người dân trở thành chiến sĩ biết cách phòng, chống dịch một cách phù hợp, thiết thực.

Thanh Hóa: Phát huy vai trò phường, xã là "pháo đài" chống dịch - Ảnh 3.

Cán bộ công chức, công an, quân đội xuống đồng giúp dân gặt lúa giúp dân trong vùng thực hiện giãn cách

tại huyện Như Thanh

Đề cao tinh thần mỗi người dân là một "chiến sĩ", là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Từ đó, mọi chính sách và việc thực hiện chính sách đều hướng đến người dân. Thực hiện tốt mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát, kiểm tra trong phòng, chống dịch.

Các xã, phường, thị trấn thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm phải hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ, chu đáo, tỉ mỉ; cương quyết, thần tốc, quyết liệt. Nắm vững phương châm cách ly, khoanh vùng, giãn cách xã hội. Xây dựng kế hoạch, có giải pháp quyết liệt để bảo vệ vững chắc "pháo đài", bảo vệ địa bàn. Nếu các "pháo đài" vững chắc thì huyện, tỉnh sẽ vững chắc.

Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng chung của toàn Đảng, toàn dân, không riêng của tổ chức nào, cá nhân nào. Mỗi người dân, mỗi phường, xã phải hiểu đúng, hiểu đủ và làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, trong cuộc chiến cam go này không ai được đứng ngoài cuộc. Bởi chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh và đây sẽ là "kiên chắn" vững vàng nhất, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Yến Hoàng
Từ khóa: Thanh Hóa
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.