Thanh Hóa: Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Doanh nghiệp
09:49 PM 06/12/2022

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH và CN, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững doanh nghiệp. Triển khai thực hiện chủ trương này, tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được 32 doanh nghiệp KH và CN, đứng thứ ba cả nước về số lượng doanh nghiệp, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp KH&CN là loại hình doanh nghiệp ứng dụng thành công các hoạt động nghiên cứu của chính họ hoặc kết quả nghiên cứu từ các viện, trường đại học, hoặc kết quả nghiên cứu chuyển giao từ nước ngoài mà họ được quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp. Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Đây không chỉ là cầu nối đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xác định rõ điều đó, những năm qua Thanh Hoá luôn quan tâm, chú trọng xây dựng, phát triển các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Thanh Hóa phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp KH&CN của tỉnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực sản xuất công nông nghiệp, thiết bị, vật tư y tế, công nghệ thông tin... các doanh nghiệp này hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và quản lý vận hành doanh nghiệp. Hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm công nghiệp, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

8 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa thành lập được 2.369 doanh nghiệp mới, đạt 79% kế hoạch, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Tổng số vốn điều lệ doanh nghiệp đăng ký là 31.660 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ, đạt 13,4 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tuy nhiên chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh thu, lợi nhuận trước thuế chưa cao, kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN còn hạn chế. Mặt khác, việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN cũng còn nhiều khó khăn, lúng túng, đặc biệt là chính sách ưu đãi về tiền thuê đất. Điều này ảnh hưởng không ít đến công tác phát triển doanh nghiệp KH&CN của tỉnh.

Mặc dù đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KH và CN, nhưng so với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, con số 32 doanh nghiệp qua thống kê vẫn còn rất thấp, hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm, tỷ trọng giá trị của khoa học công nghệ trong nền kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KH&CN, tạo đòn bẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh, tháng 12/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH và CN và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nhiều giải pháp chính sách thiết thực, cụ thể nhằm khuyến kích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 60 doanh nghiệp KH và CN. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các thủ tục chứng nhận, các quyền lợi của doanh nghiệp KH và CN. Thực tế, đây là loại hình đặc thù, có nhiều quy định và khái niệm trừu tượng, hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực... cho nên nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này còn nhiều hạn chế.

Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về doanh nghiệp KH và CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức hoạt động sàn giao dịch công nghệ-thiết bị của tỉnh nhằm hỗ trợ, trao đổi thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án KH và CN các cấp để trên cơ sở đó thành lập mới doanh nghiệp KH và CN.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, các ngành chức năng có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình doanh nghiệp KH&CN; xúc tiến thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. Cần đầu tư cơ sở vất chất, kỹ thuật, đào tạo nhân lực KH&CN, xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN của tỉnh phát triển bền vững. Qua đó, doanh nghiệp KH&CN sẽ thực sự trở thành động lực và là khâu đột phá trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
PGS. TS Phạm Trung Lương: Cần chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển xứng tầm PGS. TS Phạm Trung Lương: Cần chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển xứng tầm

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, Phú Quốc cũng cần sự đầu tư đúng trọng tâm trọng điểm của nhà nước chứ không chỉ trông chờ vào đầu tư từ xã hội hóa, nguồn lực tư nhân.