Thanh Hóa: Phát triển sản xuất gắn với xây dựng Nông thôn mới

Địa phương
10:36 AM 15/03/2023

Xác định phát triển sản xuất là nền tảng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã dành một phần vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các mô hình đang phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới.

Trên cơ sở vốn hỗ trợ, kết hợp với ngân sách, các địa phương đã lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án, kêu gọi nguồn lực từ nhân dân để lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp điều kiện thực tế. Đồng thời, giao cho các ngành, tổ chức đoàn thể đứng ra thực hiện, phối hợp các đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được gần 2.000 mô hình sản xuất từ nguồn hỗ trợ Nông thôn mới; nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao, đã và đang được nhân rộng, như: trồng rau, hoa, quả trong nhà lưới; nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi trang trại... Các mô hình này đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ và năng lực, giá trị lao động, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Thanh Hóa: Phát triển sản xuất gắn với xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 1.

Với hơn 3 tỷ đồng được phân bổ từ chương trình phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới của tỉnh, từ năm 2017 đến nay, huyện Thiệu Hóa đã huy động được thêm hơn 16 tỷ đồng trong nhân dân để xây dựng 38 mô hình sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhiều mô hình cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: trồng rau quả trong nhà lưới, cây dược liệu, cây ăn quả, rau Vietgap… Các mô hình đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 55 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Biện - Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện đã xác định phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là chính. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ cấp trên, cân đối nguồn lực địa phương hợp lý, huyện hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng giao thông các khu sản xuất. Lấy việc xây dựng mô hình sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân làm mục tiêu cơ bản xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hóa: Phát triển sản xuất gắn với xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Biện - Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Tại xã Tuy Lộc - huyện Hậu Lộc cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cho phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch, xã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, xã Tuy Lộc có 310 ha diện tích đất nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững, xã đã chuyển đổi trên 50 ha diện tích đất khó sản xuất sang trồng màu, các loại cây ăn quả theo hướng kinh tế tổng hợp. Đã có 75 hộ tham gia phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Từ những kết quả đạt được trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần tăng thu nhập cho người dân trong xã, bình quân đạt 50,4 triệu đồng/người/năm 2022.

Thanh Hóa: Phát triển sản xuất gắn với xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 3.

Vườn bưởi diễn, ổi của gia đình anh Vũ Văn Thìn, thôn Phú Thọ sai trĩu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Nhìn vườn bưởi diễn, bưởi đường, ổi của gia đình anh Vũ Văn Thìn, thôn Phú Thọ, xã Tuy Lộc (Hậu Lộc) được trồng thẳng lối, gọn gàng, sạch đẹp, những quả bưởi vàng óng, thoang thoảng hương thơm, ít ai biết rằng vùng đất này trước đây khô cằn, chỉ trồng ngô, đậu, lạc xen canh, hiệu quả kinh tế thấp. Trên diện tích gần 4.000 m2, gia đình anh Thìn trồng 150 gốc bưởi diễn, bưởi đường, 100 gốc ổi và cho thu hoạch 2 năm nay. So với trồng đậu, lạc thì vườn bưởi, ổi cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần, nhờ vậy cuộc sống của gia đình anh Thìn cũng khấm khá hơn so với trước đây.

Tiêu biểu cho phong trào chuyển đổi cơ cấu gieo trồng cây hàng hóa, lúa chất lượng cao là tập trung đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật để có giá trị thu nhập cao tại các thôn Trung Hà, thôn Cách, thôn Phú Đa, thôn Đồng Tiến. Các hộ tham gia mô hình phát triển kinh tế trang trại đã tập trung đầu tư quy hoạch cải tạo xây dựng ao chuồng khép kín; đồng thời đầu tư phát triển tổng đàn đa dạng con nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp tạo việc làm cho hộ, tích cực phòng, chống dịch bệnh. 

Nhiều hộ đã cho thu nhập cao từ mô hình kinh tế trang trại như hộ bà Trương Thị Thủy, Nguyễn Thị Nhì, thôn Trung Hà; bà Đỗ Thị Thiệu, Cao Thị Hà, Nguyễn Thị Chinh, ông Nguyễn Văn Toàn, thôn Phú Đa; hộ ông Nguyễn Văn Ngự, thôn Trung Hà với mô hình gà, vịt đẻ trứng; hộ bà Lê Thị Đường, thôn Phú Đa với mô hình nuôi lợn thịt, góp phần nâng tổng số đàn trâu, bò toàn xã là 329 con, tổng đàn lợn 2.240 con, gia cầm 112.00 con.

Có thể nói, các mô hình phát triển sản xuất đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế và phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Từ đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước xóa bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, nhất là khu vực miền núi.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.