Thanh Hóa: Quan tâm các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Địa phương
09:30 AM 30/03/2023

Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa là đối tượng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, từ nguồn nhân lực đến tiếp cận cơ chế, chính sách và đặc biệt là nguồn vốn. Tuy nhiên hiện nay, việc thiết kế cơ chế, môi trường đầu tư, phát triển chưa chú trọng nhiều đến lực lượng doanh nghiệp này. Đây là một trong những tâm tư được doanh nghiệp gửi đến Hội nghị gặp gỡ Doanh nghiệp năm 2023 sẽ được tỉnh Thanh Hóa tổ chức vào sáng 31/3.

Trong tổng số khoảng 27.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, hiện có đến 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy quy mô còn hạn chế nhưng theo con số tham chiếu thống kê hàng năm, có thể khẳng định vai trò và sự đóng góp rất lớn và toàn diện của lực lượng doanh nghiệp này đối với mọi mặt của xã hội, như tạo ra 40% tổng sản phẩm trên địa bàn, đóng góp 30% ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho khoảng 60% lao động.

Thanh Hóa: Quan tâm thiết kế, thực thi các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Sản xuất kính cường lực tại Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thanh Tâm (Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa).

Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn mang lại những giá trị chưa "đong đếm" hết, như góp phần đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, các vấn đề an sinh, văn hóa xã hội… Đặc biệt, đây chính là tương lai của nền kinh tế khi các doanh nghiệp này tiếp tục trưởng thành.

Tuy nhiên, đối tượng doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, từ nguồn nhân lực đến tiếp cận cơ chế, chính sách và nhất là nguồn vốn...

Hiện nay, Nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh Thanh Hoá cũng ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giai đoạn 2022-2025 trên nhiều lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số… với hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn thụ hưởng chưa được thiết kế đặc thù cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến đối tượng này khó tiếp cận, thụ hưởng chính sách.

Việc tạo ra cơ chế riêng, tổng thể và có tính chiến lược sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua 3-5 năm đầu tiên (với khoảng 85% tổng doanh nghiệp rời bỏ thị trường sau khi thành lập). Do đó, chính sách đặc thù và khác biệt cần có như một điều tất yếu. Trong đó, cơ chế tiếp cận vốn ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính, minh bạch và công khai quy hoạch, tiếp cận cơ hội kinh doanh là những yếu tố thiết yếu để doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại và phát triển. Sau thời gian đó, các doanh nghiệp sẽ tự phát triển và chúng ta sẽ có 1 đội ngũ doanh nghiệp bền vững, tránh lãng phí các nguồn lực.

Thanh Hóa: Quan tâm thiết kế, thực thi các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 2.

Ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm, khích lệ đặc biệt đối với doanh nghiệp. Tỉnh Thanh Hóa cũng là một trong rất ít địa phương đi đầu trong hoạt động đối thoại, tiếp xúc doanhn nghiệp định kỳ. 

Từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng 1 lần, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đều có cơ hội được phản ánh những khó khăn, bất cập trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực. Từ các hội nghị này, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh ngiệp đã được chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, triệt để. Đặc biệt, với các vấn đề đủ cơ sở, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ ngay tại hội nghị.

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 được tổ chức tới đây do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì là sự quan tâm, thấu hiểu đặc biệt của tỉnh dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp kiến nghị đa dạng lĩnh vực và được thông tin, giải đáp, tháo gỡ trực tiếp; cũng như được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vướng mắc phát sinh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Để tổ chức tốt công tác tiếp nhận kiến nghị, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp nữ tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Dệt may, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội đá, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược tư nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh... đã thông tin tới các doanh nghiệp, hội viên gửi kiến nghị những khó khăn, vướng mắc và đề xuất trên nhiều lĩnh vực hoạt động, như giao thông, xây dựng, bất động sản; phát triển kinh tế nông nghiệp và Doanh nghiệp khoa học công nghệ; khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); khó khăn của ngành dệt may và hoạt động khai thác vật liệu xây dựng; đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách đối với hoạt động vận tải, taxi, phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ, Doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp; những bất cập trong phát triển y tế tư nhân và tiếp cận đất đai...

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn