Thanh Hóa: Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30-9-2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 246.525,55 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 6.622,57 tỷ đồng, đạt 19,03% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Cả nước có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như: Quảng Ngãi (112,7%), Hưng Yên (89,3%), Ngân hàng Chính sách Xã hội (88,5%), Thái Bình (83,6%), Quảng Ninh (78%), Ninh Bình (77,6%)… Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Tại điểm cầu Thanh Hóa - Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chia sẻ: đến ngày 23-9-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa đạt 55% kế hoạch, cao hơn 8,3% tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước. Có được kết quả này, trước hết là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; sau đó là nhờ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Giao sớm kế hoạch chi tiết năm 2022 cho các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện. Quy định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đối với từng loại dự án. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ giải ngân chậm, không đảm bảo theo quy định để bố trí sang cho các dự án có tiến độ nhanh, có nhu cầu bổ sung thêm vốn. Gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công…
Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng phân tích những khó khăn, vướng, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15-9-2022; việc giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2022-2023 cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Cùng với đó, nhiều giải pháp trước mắt được tỉnh Thanh Hoá triển khai quyết liệt, như: Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hoá, để có giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; bảo đảm lưu thông hàng hoá, thúc đẩy thương mại, xuất, nhập khẩu bền vững… Đặc biệt, đối với vấn đề vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hoá giao các sở, ngành công bố giá vật liệu hàng tháng thay vì hàng quý như trước đây, làm cơ sở cho các dự án cần điều chỉnh hợp đồng do giá vật liệu, xăng, dầu tăng, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc thi công các dự án, công trình.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2022, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 3-5-2022, Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15-9-2022 và các nghị quyết phiên họp thường kỳ, công điện, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo đúng thời gian quy định. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả tích cực bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát … Tuy nhiên, trong hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực, quyết tâm khắc phục.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng biểu dương những bộ, ngành, đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt, đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành chức năng trong việc rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện thể chế, cơ chế chích sách; công tác xây dựng kế hoạch… nhằm tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ được giao; nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2022 sẽ có rất nhiều việc phải thực thi, hoàn thành, theo đó, bên cạnh việc ưu tiên thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo bảm các cân đối lớn, các bộ, ngành, địa phương phải dành thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiệm vụ này phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và trên tinh thần, trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì Nhân dân phục vụ.
Triều NguyệtGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.