Thanh Hóa: Quyết liệt phòng chống dịch, gắn liền với phát triển kinh tế sớm ổn định đời sống nhân dân

Địa phương
10:25 AM 14/09/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu cách ly, đặc biệt đã xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng. Hiện 04 địa phương trong tỉnh phải áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ là Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, TP Thanh Hóa đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và đời sống của Nhân dân trong tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp do vậy các sở, ngành, địa phương cần xây dựng, triển khai kịch bản, phương án làm việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra. 

Trong đó, tập trung nguồn lực, nhân lực bảo đảm hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế phải kịp thời chấn chỉnh công tác tham mưu, phân phối điều động, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phối hợp kịp thời, hiệu quả với các ngành, như Quân đội, Công an, Giao thông, Lao động - Xã hội, Giáo dục … chủ động thực hiện nhiệm vụ trước diễn biến liên tục của dịch bệnh, nhưng vẫn phải đảm bảo việc làm và đời sống của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

Thanh Hóa: Quyết liệt phòng chống dịch, gắn liền với phát triển kinh tế sớm ổn định đời sống nhân dân! - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đang vận hành máy sản xuất (nguồn ảnh: Báo Thanh Hóa)

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 vẫn giữ được ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục có bước phát triển. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực có tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp (tăng 15,5%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (11,1%), giá trị xuất khẩu (36,6%), doanh thu vận tải (15,1%), thu ngân sách nhà nước (15%), doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (12%)... chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. 

Cùng với công tác phòng chống dịch Covid -19, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3540/QĐ –UBND về việc phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động nhừng việc gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Thiệu Hóa, Quan Sơn với tổng số là 15 hộ. Mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/hộ. Hỗ trợ người lao động ngừng việc gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP Thanh Hóa và thị xã Bỉm Sơn, gồm 11 lao động và 8 người có con chưa đủ 6 tuổi.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ động tham mưu, hướng dẫn các địa phương về nguồn thực hiện việc chi trả các dịch vụ y tế như test nhanh, test RT-PCR, cách ly,… Tiểu ban xét nghiệm, điều trị người bệnh, tiêm vắc - xin tham mưu khẩn trương công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho 6 nhóm đối tượng được ưu tiên theo kế hoạch ban hành. Đối với ngành giáo dục, phải đặt an toàn cho giáo viên và học sinh lên hàng đầu. Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất, học sinh mầm non toàn tỉnh nghỉ học, đối với cấp 1 chỉ học 1 buổi, không tổ chức ăn bán trú; tại các địa phương đang giãn cách áp dụng theo Chỉ thị 15, 16 phải tạm dừng việc học tập đối với tất cả các cấp học.

Thanh Hóa: Quyết liệt phòng chống dịch, gắn liền với phát triển kinh tế sớm ổn định đời sống nhân dân! - Ảnh 2.

Người lao động đang làm việc tại nhà máy thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh cần chủ động, sớm đưa ra được "bản đồ nguy cơ dịch bệnh" từng địa phương để các ngành khác như nông nghiệp, công thương, giáo dục… có cơ sở hướng dẫn, tổ chức sản xuất hoạt động cho từng lĩnh vực của ngành, đặc biệt là công tác sắp xếp việc làm cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.

Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, hiện Khu Kinh tế Nghi Sơn có 122 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh, với tổng số lao động đang làm việc hiện nay khoảng 33.000 người. Ngoại trừ khoảng 3.000 người quê tỉnh Nghệ An, các chuyên gia, kỹ sư, thì hàng chục nghìn lao động còn lại là quê thị xã Nghi Sơn và các địa phương trong tỉnh.

 Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên đa phần các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... dừng sản xuất. Hàng nghìn lao động người Thanh Hóa đã và sẽ hồi hương tìm việc làm. Tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đã kêu gọi các doanh nghiệp tạo điều kiện thu nhận những lao động trong tỉnh trở về từ các vùng dịch. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện đang thiếu lao động, có nhu cầu tuyển mới nên ủng hộ chủ trương này. Khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh lắng xuống, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người được tạo việc làm trên chính quê hương. Đó cũng là mục đích của nhiệm vụ thu hút đầu tư mà Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện, để vừa tạo thêm nhiều việc làm, vừa thúc đẩy sản xuất để phát triển kinh tế.

Điển hình như Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, đi vào hoạt động từ đầu tháng 5–2021, đang bước vào giai đoạn sản xuất ổn định. Đây là doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy tái chế, sản phẩm vừa xuất khẩu, vừa cung ứng cho thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hơn 4 tháng qua, dây chuyền hiện đại, với công suất 120 nghìn tấn sản phẩm/năm của nhà máy đang giải quyết việc làm cho 190 lao động. Là doanh nghiệp có vốn đầu tư từ công ty "mẹ" tại Hà Nội, nhưng ngay từ khi tuyển dụng công nhân, người lao động, phía doanh nghiệp đã thực hiện đề xuất từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh là ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương. Bởi lẽ, họ là những người nhường đất cho phát triển công nghiệp vì lợi ích phát triển kinh tế chung của tỉnh, của đất nước, nay rất cần việc làm.

Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Lionnas Metals đóng tại tổ dân phố Liên Sơn, phường Hải Thượng cũng có tỷ lệ lao động địa phương khá cao. Doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản và Đài Loan này chuyên sản xuất các sản phẩm hợp kim Ferosilicon để xuất khẩu đi thị trường các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Với năng lực sản xuất 13.000 tấn sản phẩm mỗi năm, doanh nghiệp FDI này đang tạo việc làm cho 161 lao động. Trong đó, có 16 lãnh đạo và chuyên gia nước ngoài, 8 lao động người Nghệ An và còn lại là lao động địa phương. 

Công nhân Nguyễn Thị Nhung, thường trú ở khu phố Bắc Hải cùng phường Hải Thượng, chia sẻ: "Công nhân chúng tôi phần lớn là người địa phương, có người chỉ cách công ty vài trăm mét nên đi làm thuận lợi. Có gia đình cả vợ chồng, con cái làm việc ở đây, thu nhập ổn định. Các quyền lợi được bảo đảm, nhiều người nguyện gắn bó lâu dài vì không phải xa quê". 

Có nhà cùng khu phố với địa chỉ nhà máy, thanh niên Cao Hải Nhớ cũng đã xin việc làm và gắn bó với công ty từ nhiều tháng qua. "Em chưa vợ con nên cần công việc ổn định trước. Có được công việc ngay tại quê nhà chính là mong ước của em. Gần đây, phía công ty tổ chức phương châm "3 tại chỗ", tức ăn uống, sản xuất và bố trí chỗ ở ngay trong khuôn viên công ty để phòng chống dịch bệnh COVID-19, em ủng hộ hoàn toàn. Dịch bệnh phức tạp nhưng chúng em vẫn có việc làm đều và thu nhập ổn định, điều này vừa tốt cho công ty, vừa tốt cho các lao động".

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đã tạo nên chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển mạnh từ nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao sang hướng phát triển mạnh công nghiệp - dịch vụ, với cơ cấu công nghiệp (48,2%) – dịch vụ (32,2%) - nông nghiệp (8,9%) và đã tạo nên nhiều việc làm tại chỗ, thu hút được nhiều lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động trong tỉnh.

Mục tiêu mà UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra là 100% người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Tỉnh Thanh Hóa giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, DN trên địa bàn; nhu cầu việc làm, học nghề của NLĐ để có kế hoạch cụ thể nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, kết nối cung - cầu. Đặc biệt, trong phương án hỗ trợ người về từ vùng dịch, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên cho NLĐ được vay vốn giải quyết việc làm tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thanh Hóa, với lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay các hộ cận nghèo (0,66%/tháng), mức vay là 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay không quá 120 tháng.

Hiện  nay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh và các địa phương có dịch tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc truy vết thần tốc, giám sát mốc dịch tễ các trường hợp liên quan; đồng thời khẩn trương tiến hành lấy mẫu trên diện rộng đối với những trường hợp nguy cơ cao, nhằm sớm phát hiện để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tăng cường điểm tiêm vắc xin và quản lý chất lượng vắc xin trước khi tiêm...

Đặc biệt, để thúc đẩy kinh tế phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB, có giải pháp cụ thể, hiệu quả; tập trung quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại Thanh Hóa; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư tại Thanh Hóa; đề nghị ngành Lao động, Thương binh, Xã hội phối hợp với các tỉnh khác chuyển bảo hiểm của người lao động ở các tỉnh khác về tỉnh Thanh Hóa khi người lao động về nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn