Thanh Hóa: Quyết tâm giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết 14.894,419 tỷ đồng đầu tư công cho 296 chương trình, nhiệm vụ, dự án, trong đó 120 dự án chuyển tiếp.
Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa tuy cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước, song chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nhiều dự án chuyển tiếp có tiến độ giải ngân chậm so với yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tính đến ngày 5/12, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đạt 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch, cao hơn 7,03% so với tỷ lệ giải ngân trung bình 11 tháng của cả nước. Có 109 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, nhưng có 21 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh, 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Qua ra soát và đánh giá với 937 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến ngày 5/12 đã giải ngân được 285,659 tỷ đồng, đạt 30,5% kế hoạch. Với 1.826,299 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đã giải ngân được 993,73 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch.
Trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới giải ngân được 511,376 tỷ đồng, bằng 71,9% kế hoạch; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải ngân được 259,176 tỷ đồng, bằng 37,6% kế hoạch; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được 223,178 tỷ đồng, bằng 52,6% kế hoạch.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, nhiệm vụ giải ngân tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn, với số vốn phải giải ngân là 5.742 tỷ đồng. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Thanh Hóa đã và đang rà soát, đánh giá chính xác những thuận lợi, khó khăn của các ngành, các lĩnh vực nhằm tìm ra "điểm nghẽn" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó có các giải pháp kịp thời, linh hoạt.
Trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh lần thứ XVII vừa qua, phát biểu tại hội nghị đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóađã quán triệt nhiệm vụ trong thời gian tới với phương châm thần tốc, quyết liệt, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tất cả các cấp, các ngành và các chủ đầu tư. Cần tập trung tháo gỡ dứt điểm các khó khăn về thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, trọng tâm là thủ tục đầu tư kinh doanh, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, xử lý tài sản công, tiến độ thực hiện các dự án khu, cụm công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực...
Đồng thời, chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cam kết của chủ đầu tư về tiến độ giải ngân của từng dự án. Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, Ban quản lý, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân. Kiểm tra thi công thực tế công trường so với hồ sơ dự thầu, hợp đồng thi công; yêu cầu nhà thầu cam kết tiến độ thực hiện từng hạng mục công trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Yến HoàngGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.