Thanh Hóa: Quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công

Địa phương
11:49 AM 25/11/2024

Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, quyết tâm phấn đấu đến ngày 31/12/2024, sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 10 năm 2024, Thanh Hóa hiện đang đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nhanh so với cả nước. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 9.300 tỷ đồng, đạt gần 66% kế hoạch và cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 15% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước. Hiện có 19/56 chủ đầu tư, địa phương giải ngân bảo đảm kế hoạch.

Thanh Hóa: Quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Một dự án giao thông đang được xây dựng tại Thanh Hóa.

Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, chủ đầu tư, toàn tỉnh có 22 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả tỉnh.

Trong đó có 8 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh gồm: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Trường THPT Chuyên Lam Sơn; Sở Công Thương; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa; Tỉnh đoàn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa.

12 UBND cấp huyện gồm: TP Thanh Hóa; TP Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn; các huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành, Quảng Xương, Quan Hóa, Bá Thước và 2 đơn vị khác là Liên minh hợp tác xã và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Cùng với đó, toàn tỉnh có 80 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (chiếm 26,7% tổng số dự án), với số vốn là 788,934 tỷ đồng. Tiêu biểu như Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Lèn, đoạn từ đền Cô Đôi, xã Châu Lộc đến cầu Đò Lèn, xã Đồng Lộc (Hậu Lộc); Dự án mở rộng tuyến đường C-C3, Khu du lịch Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn; Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa và bản đồ mực nước hạ du của các đập thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Huyện Ngọc Lặc hiện giải ngân đạt 60% kế hoạch. Từ nay đến cuối năm huyện Ngọc Lặc sẽ cố gắng triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn được tỉnh giao".

Mặc dù đạt kết quả tích cực, song quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh; tiến độ chuẩn bị hồ sơ của các dự án khởi công mới có thời gian thực hiện từ 2022-2025 chậm; công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, toàn tỉnh vẫn còn 31 chủ đầu tư, địa phương giải ngân thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh, như: Ban quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa; Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; Sở Xây dựng; Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND cấp huyện có thị xã Nghi Sơn, các huyện: Nga Sơn, Đông Sơn, Nông Cống, Quan Sơn...

Thanh Hóa: Quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công- Ảnh 2.

Tỉnh tập trung giải quyết các "nút thắt" trong việc giải phóng mặt bằng, với giải pháp tăng cường đối thoại với người dân

Kết quả đạt được trong giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua của tỉnh là rất đáng phấn khởi với tỷ lệ giải ngân nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Đây là kết quả thể hiện sức mạnh tổng hợp, sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó là các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng... được khắc phục kịp thời.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đã đề ra Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động chiến dịch 60 ngày, đêm tăng tốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Quyết tâm đến 31/12/2024, toàn tỉnh giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao, bất luận khó khăn, thách thức.

Phát huy tốt vai trò của 5 tổ công tác đã tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công; linh hoạt, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao và yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị, bổ sung các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như đảm bảo chất lượng công trình.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng lên 10,5% Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng lên 10,5%

Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng nhằm cập nhật các quy định mới tại Chuẩn mực Basel III và phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng Việt Nam.