Thanh Hóa: Quyết tâm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong trường học

Địa phương
11:47 AM 25/11/2021

Ngay khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa), ngành giáo dục, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đã vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm. Nhiều chỉ đạo quyết liệt đã được ban hành và thực hiện nhằm kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất; tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Thanh Hóa nói riêng, có nhiều học sinh trong một trường học dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 và không ít giáo viên, học sinh đã trở thành F1 phải cách ly tập trung. Ứng phó với tình huống này, chính quyền địa phương, ngành giáo dục đã nhanh chóng truy vết, cách ly, đóng cửa trường học, lớp học có học sinh, giáo viên liên quan đến ca nhiễm. 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thanh Hóa, đây là điểm dịch phức tạp, có tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng là rất lớn. Để kịp thời ngăn chặn, kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan trong trường học cũng như trên địa bàn thành phố, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch các phường, xã khẩn trương rà soát, áp dụng biện pháp cách ly tại nhà đối với phụ huynh học sinh các lớp 5A, 5C, 5D của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám đang cư trú trên địa bàn các phường, xã theo quy định.

Thanh Hóa: Quyết tâm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong trường học - Ảnh 1.

Khẩn trương đưa F1 đi cách ly tập trung

Cùng với đó, UBND TP Thanh Hóa cũng chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám khẩn trương rà soát, truy vết các trường hợp F0, F1 là học sinh, giáo viên của nhà trường đã từng tiếp xúc với người khác thông qua hoạt động dạy thêm, học thêm, hoạt động văn hóa, thể thao... để đánh giá nguy cơ. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình di chuyển của các bệnh nhân cho các địa phương để thực hiện truy vết và áp dụng và có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. 

Ông Lê Thành Đồng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, cho biết: Tính đến sáng ngày 22-11, ổ dịch Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám đã ghi nhận 15 ca mắc. Với quyết tâm khống chế sớm nhất ổ dịch tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thanh Hóa, ngành giáo dục thành phố đã phối hợp với lực lượng chức năng tập trung triển khai ngay các biện pháp truy vết thần tốc các trường hợp liên quan. Đến nay, lực lượng chức năng đã truy vết được 165 F1 là học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám; 76 F1 là học sinh và giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng; 140 F1 khác.

Thanh Hóa: Quyết tâm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong trường học - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP Thanh Hóa và nhà trường khẩn trương đưa các cháu F1 đi cách ly tập trung ngay trong đêm

Từ ổ dịch Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, nhiều trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa cũng đã ghi nhận những học sinh, giáo viên có liên quan như Trường THCS Lý Tự Trọng, Tiểu học Quảng Tâm, Tiểu học Lê Văn Tám, Tiểu học Đông Vệ 2... Riêng Trường THCS Lý Tự Trọng ghi nhận 1 học sinh dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 (là anh trai của trường hợp F0 tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám).

Trước thực trạng trên và nhận định về tình hình dịch bệnh trong trường học, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là khi xuất hiện F0 trong môi trường học đường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp "5K" theo quy định. Ngoài kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19 đã triển khai, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện thường xuyên việc test sàng lọc COVID-19 đối với học sinh và cán bộ, giáo viên; kích hoạt các tổ giám sát an toàn phòng, chống dịch tại trường học, nhân viên y tế, thành viên tổ giám sát phải chú ý ghi chép đầy đủ nhật ký theo dõi sức khỏe của học sinh, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Đối với các trường tổ chức bán trú, nội trú, việc sinh hoạt ăn ở, học tập phải bảo đảm an toàn, hợp lý, tăng cường công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đối với các địa phương, trường học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chủ động triển khai dạy và học phù hợp bảo đảm theo yêu cầu. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường học không tuân thủ, không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

Là nơi tập trung đông người nên trường học rất dễ bùng phát và lây lan dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt. Đặc biệt, tại thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và đã xuất hiện ổ dịch trong trường học. Chính vì vậy, ngành giáo dục, các đơn vị trường trong tỉnh cần phải chủ động, linh hoạt và tích cực phối hợp với đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tăng cường phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trong trường học. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường phải xác định công tác phòng, chống dịch là một nhiệm vụ lâu dài, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới, thích ứng với việc chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và ngược lại. Sử dụng hiệu quả thời gian dạy học trực tiếp với phương châm "Dạy chắc, học chắc và bảo đảm tiến độ chương trình", quyết tâm hoàn thành xuất sắc "mục tiêu kép", vừa nâng cao chất lượng dạy và học, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.