Thanh Hóa: Sẵn sàng cho một năm học mới an toàn

Địa phương
11:13 AM 24/08/2021

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, đang đặt tỉnh Thanh Hóa vào tình thế hết sức nguy cấp, khi nguy cơ xâm nhiễm dịch vào địa bàn ngày càng cao. Việc làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh trong trường học, đảm bảo được chất lượng dạy và học trong bối cảnh này là một bài toán khó mà lời giải nằm ở sự nỗ lực tối đa của cả hệ thống giáo dục.

Chỉ còn ít ngày nữa năm học 2021 -2022 sẽ chính thức bắt đầu. Tỉnh Thanh Hóa sẽ đón khoảng 862.000 học sinh nhập học, ở cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học tại 2038 cơ sở giáo dục công lập cũng như tư thục trên địa bàn.

Đến thời điểm này thì công tác chuẩn bị cho năm học mới đang được các nhà trường gấp rút triển khai. Trong đó việc đảm bảo các quy định phòng dịch Covid-19 theo tiêu chuẩn của Bộ giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) được ưu tiên hàng đầu.

Toàn bộ chăn gối của học sinh được ngâm qua dung dịch khử khuẩn, vật dụng đồ chơi cho các con cũng được lau chùi sạch sẽ. Đây là cách làm thiết thực mà các cô giáo ở các trường mầm non  trên toàn tỉnh chuẩn bị cho học sinh trước thềm năm học mới, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa phòng ngừa dịch bệnh.

Thanh Hóa sẵn sàng cho một năm học mới an toàn dịch bệnh - Ảnh 1.

Các trường đã chuẩn bị sẵn sàng để đón học sinh

Những ngày này, cán bộ, giáo viên đã được huy động đến trường để làm công tác vệ sinh trường, lớp. Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn, kiểm tra các thiết bị y tế để sẳn sàng đón học sinh trở lại trường. Bên cạnh đó, các trường cũng đã chuẩn  bị xong việc rà soát, tu sửa, nâng cấp trang thiết bị hư hỏng, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Nhiều trường học đã quán triệt nội dung đầu tiên dạy cho học sinh vào năm học mới chính là các kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, nhằm nâng cao ý thức tự giác của học sinh, góp phần xây dựng môi trường an toàn dịch bệnh.

Tuy nhiên tại một số trường trên địa bàn tỉnh công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 lại có nhiều điểm khác hơn so với các năm học trước.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn còn hơn 100 trường học (trên tổng số hơn 200 trường) đang được trưng dụng để làm khu cách ly tập chung, tại các địa phương như: Nông Cống, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương… Tỷ lệ người mang mầm bệnh tại các khu cách ly tâp trung là rất cao, trong khi các khu cách ly khác đang quá tải. Hầu hết các địa phương này đều không thể mạo hiểm để di chuyển từ trường học sang địa điểm khác.

Mặc dù, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu địa phương bàn giao lại trường học cho ngành giáo dục trước ngày 18/8, nhưng rất ít địa phương thực hiện đúng tiến độ. Thậm chí như huyện Triệu Sơn ngành giáo dục buộc phải lùi lại thời gian nhập học đến sau ngày 15/9 và tổ chức khai giảng tại nhà văn hóa thôn cho học sinh tại các điểm trường được trưng dụng làm khu cách ly. Việc bàn giao cơ sở vật chất muộn buộc các nhà trường phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho năm học mới.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, có 113 học sinh từ tỉnh ngoài đã trở về địa phương và 334 học sinh đã dời khỏi địa phương sang tỉnh khác nhưng có nguyện vọng quay về tỉnh để tiếp tục học tập. Để đảm bảo an toàn phòng dịch và tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục ở các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện rà soát, thống kê số lượng học sinh, thời gian kết thúc cách ly để tổ chức phương án tiếp nhận.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo chia sẻ: "Để đảm bảo quyền lợi cũng như nguyện vọng chính đáng cho tất cả các em học sinh. Sở Giáo dục đã yêu cầu các nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để tiếp nhận các em vào học đúng lớp, đúng độ tuổi. Trước mắt sẽ bố trí vào tất cả các nhà trường, ở tất cả các cấp học khác nhau. Việc hoàn thiện hồ sơ có thể thực hiện sau một chút".

Thanh Hóa sẵn sàng cho một năm học mới an toàn dịch bệnh - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thức _ Giám đốc Sở Giáo dục & đào tạo tỉnh Thanh Hóa

Rút kinh nghiệm từ những năm học trước, ngay từ những ngày đầu tháng 8/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường học chủ động xây dựng phương án an toàn khai giảng, đi học, học bù để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2021-2022. Các phương án phải sát thực, linh hoạt phù hợp với diễn biến của dịch bệnh với 4 cấp độ ứng phó. Đến nay 100% các trường từ cấp 1  đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án dạy và học trực tuyến trong tình huống diễn biến dịch phức tạp, trường học bắt buộc phải đóng cửa. Riêng đối với khu vực miền núi các hạn chế về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin được các nhà trường chủ động tìm cách khắc phục nhằm đảm bảo không làm gián đoạn việc học của học sinh.

Ông Trịnh Ngọc Long – Hiệu trưởng trường THPT Sầm Sơn – TP Sầm Sơn – Thanh Hóa cho biết: "Ngay từ đầu năm học chúng tôi đã tổ chức cho tất cả các thầy cô học tập, bồi dưỡng để sử dụng thành thạo tất cả các phần mềm, các chương trình dạy học online, cũng như các chương trình kiểm tra trực tuyến. Đối với những học sinh chưa đủ điều kiện về máy tính thì ghép các em thành các nhóm nhỏ để cùng nhau học tập".

Thanh Hóa sẵn sàng cho một năm học mới an toàn dịch bệnh - Ảnh 3.

Ông Trịnh Ngọc Long – Hiệu trưởng trường THPT Sầm Sơn – TP Sầm Sơn – Thanh Hóa

Tuy nhiên thực tế cho thấy việc dạy học online vẫn tồn tại một số hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục như: mức độ tập trung của các học sinh kém, không đồng đều về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin do vậy định hướng của ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa là tranh thủ thời gian tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, phải tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục. Từ đó giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh trong tình huống phải tổ chức dạy học online.

Ông Ông Trần Văn Thức một lần nữa nhấn mạnh: "Để đảm bảo chương trình dạy học theo khuyến nghị của Bộ GD&ĐT, ngay từ đầu chúng tôi chú ý, học hướng đến trọng tâm, trọng điểm, những phần đọc thêm, phần phụ  học sau bằng các phương thức khác. Xây dựng kịch bản trong tình huống xấu nhất. Các phương thức dạy học trực tuyến, kể cả truyền hình cũng đã được Sở giáo dục lên phương án chuẩn bị".

Thanh Hóa sẵn sàng cho một năm học mới an toàn dịch bệnh - Ảnh 4.

Học sinh lớp 1 vui vẻ trong ngày tựu trường

Theo khung thời gian năm học 2021-2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành thì ngày tựu trường của các cấp học là ngày 1/9, riêng đối với lớp 1 là ngày 23/8. Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất và phương án giảng dạy để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các nhà trường cũng đã có kế hoạch phân công lực lượng kiểm soát thân nhiệt hàng ngày của học sinh khi ra vào trường, nhắc nhở các em việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn được thực hiện. Tiến hành khử khuẩn định kỳ trường, lớp trong trường hợp cần thiết, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch. Tuy nhiên, diễn biến dịch phức tạp khó lường đã đặt ra không ít thách thức đối với ngành giáo dục nhất là khi việc đảm bảo khoảng cách trong các lớp học gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Do đó, việc giữ trường học an toàn để con em được đến trường học tập không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của ngành giáo dục, của nhà trường hay các thầy cô mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của chính các bậc phụ huynh trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Tạm dừng cho con đến trường nếu nhận thấy gia đình có yếu tổ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.

Trải qua hơn 1 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, ngành giáo dục Việt Nam nói chung và ngành giáo dục Thanh Hóa nói riêng đã chuyển từ bị động, bất ngờ sang trạng thái chủ động, bình tĩnh với mục tiêu cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo chất lượng giáo dục. Sẽ rất khó để xây dựng một phương án chung, tối ưu, đáp ứng được cho tất cả đối tượng học sinh cũng như các tình huống dịch bệnh. Tuy nhiên việc luôn chuẩn bị sẵn sàng trước những tình huống sớm nhất chính là nền tảng cơ bản để nền giáo dục tỉnh Thanh Hóa hạn chế đến mức tối đa tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Yến Hoàng
Từ khóa: Thanh Hóa
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.