Thanh Hóa: Sẵn sàng ứng phó với cơn bão Conson
Theo thông tin cập nhật, hồi 4 giờ ngày 9-9, vị trí tâm bão Conson ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 780 km về phía Đông Đông Nam; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Từ sáng 14-9 bão Conson có khả năng đi vào Vịnh Bắc bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ đến Trung Trung bộ. Khu vực Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Trước diễn biến của bão, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá nhận định: Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu kết hợp với rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Nam Trung Bộ và gió Đông Nam ở rìa Tây áp cao cận nhiệt đới với hoạt động của bão Conson nên ở Khu vực Thanh Hoá có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Tổng lượng mưa có khả năng 100-200mm, có nơi trên 200mm; mưa to tập trung từ ngày 13 đến 15-9-2021. Theo đó, khả năng trên các sông sẽ xảy ra một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 2-4m. Mực nước lũ ở hạ lưu sông chính dưới báo động 1; thượng lưu sông chính và các sông nhỏ có thể xấp xỉ đến lớn hơn báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ ống lũ quét và sạt lở đất các huyện miền núi, đặc biệt các huyện miền núi phía Tây Bắc Thanh Hóa.
Để ứng phó với bão Conson trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh đã xây dựng phương án, đề xuất nhiệm vụ chung và các biện pháp cụ thể đối với từng khu vực ven biển, đồng bằng, miền núi và đối với một số sở, ngành để triển khai thực hiện.
Trong đó nhiệm vụ chung là các cấp, các ngành, các địa phương là tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 27/CĐ-UBND, ngày 3-9-2021 và Công điện số 28/CĐ-UBND, ngày 7-9-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ động các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và diễn biển dịch bệnh COVID-19, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Việc sơ tán dân do ảnh hưởng của thiên tai, ở các địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện việc sơ tán dân theo các phương án đã được xây dựng, phê duyệt từ đầu năm, đồng thời bảo đảm tuân thủ khuyến cáo "5K" trong phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định của cấp có thẩm quyền.
Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đến mức tối đa việc sơ tán tập trung; ưu tiên việc chằng chống, gia cố an toàn nhà cửa, chuẩn bị phương tiện (thuyền, áo phao), lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ". Trường hợp bắt buộc phải sơ tán tập trung, cần tuân thủ khuyến cáo "5K" trong phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định của cấp có thẩm quyền…
Về biện pháp cụ thể đối với các khu vực, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh cần đề cao việc thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn và thường xuyên giữ liên lạc với thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão; kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm ảo an toàn về người và tài sản… ở khu vực ven biển.
Ở khu vực đồng bằng, huy động lực lượng lao động, phương tiện cơ giới, khẩn trương thu hoạch lúa mùa khi ruộng lúa chín từ 80% trở lên theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"; tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão, mưa lũ sau bão…
Đối với khu vực miền núi, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn…
Trong phòng, chống bão lũ, công tác thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhiệm vụ này phải được đơn vị chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời để các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS các cấp, cấp uỷ, chính quyền và người dân nắm bắt, từ đó chủ động ứng phó với bão.
Yêu cầu các sở, ngành và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các phương án để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Trong giai đoạn hiện nay, các phương án phòng, chống bão phải gắn chặt với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được để dịch bệnh lây lan, bùng phát khi thực hiện các biện pháp phòng, chống bão. Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 27/CĐ-UBND, ngày 3-9-2021 và Công điện số 28/CĐ-UBND, ngày 7-9-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển tập trung làm tốt công tác kiểm đếm phương tiện, đến 18giờ ngày 9-9, tất cả các phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm phải vào nơi tránh trú an toàn, các phương tiện còn lại phải giữ liên lạc thường xuyên để được hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt chẽ phương tiện bè mảng, có biện pháp xử lý nghiêm những bè mảng không chấp hành biện pháp tránh trú bão; theo dõi sát diễn biến của bão để có phương án cấm biển phù hợp. Đối với những phương tiện tàu, thuyền trở về từ vùng dịch, chính quyền địa phương phải tổ chức lẫy mẫu xét nghiệm ngay và bố trí khu cách ly tập trung riêng cho các ngư dân trên tàu, thuyền.
Đối với những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao phải di dời, yêu cầu các địa phương phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho các hộ dân và hoàn thành trước 18 giờ ngày 10-9-2021. Ngoài ra, việc cảnh báo và tổ chức sơ tán dân phải được thực hiện sớm hơn, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng bão vào mới sơ tán dân. Trong quá trình sơ tán dân phải tuân thủ nghiêm khuyến cáo "5K" và các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Yêu cầu các sở, ngành, các địa phương, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ động các phương án ứng phó với bão và hỗ trợ Nhân dân khi có yêu cầu. Trong đó lưu ý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án bảo đảm an toàn hồ chứa, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và khẩn trương thu hoạch lúa mùa khi diện tích lúa chín từ 80% trở lên. Lực lượng quân sự, biên phòng tổ chức trực 100% quân số, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Lực lượng công an chủ động phương án bảo đảm an ninh - trật tự. Sở Công thương sẵn sàng bảo đảm cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động phương án ứng phó với bão, tuyệt đối không để học sinh đến trường khi không bảo đảm an toàn. Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho phương tiện và người trên các tàu vận tải và giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không khu vực bão dự kiến đỗ bộ; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngâp sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Vũ QuỳnhTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.