Thanh Hóa sắp đón 24 bến cảng, với gần 22.000 tỷ đồng
Những năm qua, Thanh Hóa đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực phía Bắc. Theo phê duyệt Quy hoạch vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Xây dựng, đã tạo nền tảng quan trọng để phát triển hạ tầng logistics và đẩy mạnh thương mại hàng hải cho toàn vùng.

Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển hệ thống cảng biển
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 1024 Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nội dung quy hoạch nêu rõ, hệ thống cảng biển Thanh Hóa sẽ gồm nhiều khu bến chủ chốt như Nam Nghi Sơn, Bắc Nghi Sơn, đảo Hòn Mê, Quảng Nham - Hải Châu, Lạch Sung, Lệ Môn - Quảng Châu và các bến phao, khu chuyển tải, khu neo chờ và khu tránh trú bão. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có tổng số từ 20 bến cảng đến 24 bến cảng gồm từ 57 cầu cảng đến 65 cầu cảng với tổng chiều dài từ 11.386 m đến 13.526 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Thanh Hóa dự kiến đạt từ 71,65 triệu đến 86,15 triệu tấn mỗi năm, trong đó hàng container đạt từ 70.000 đến 200.000 TEU. Đây là con số chưa bao gồm hàng hóa từ các dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Nghi Sơn.
Đến năm 2050, hệ thống cảng biển của tỉnh sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hàng hóa trung bình khoảng 3,6% - 4,5% mỗi năm. Trọng tâm đầu tư sẽ là các khu bến Nam Nghi Sơn và Bắc Nghi Sơn nhằm hình thành cụm cảng quy mô lớn phục vụ công nghiệp nặng, năng lượng và xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp.

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng biển Nghi Sơn Thanh Hóa.
Nhu cầu vốn đầu tư từ đầu giai đoạn đến 2030 khoảng 21.906 tỷ đồng gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 4.511 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 17.395 tỷ đồng cho xây dựng, nâng cấp các bến cảng phục vụ hoạt động xếp dỡ hàng hóa (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Cũng trong nội dung quy hoạch các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ được tạo điều kiện tham gia đầu tư, khai thác cảng biển theo hướng xã hội hóa. Việc huy động nguồn lực tư nhân không chỉ giúp tăng hiệu quả đầu tư mà còn chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại các cảng biển.
Trong số các hạng mục ưu tiên đầu tư có nâng cấp luồng tàu vào khu vực Nam Nghi Sơn, đáp ứng tàu có trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn, và nghiên cứu khả năng hình thành luồng hai chiều khi đủ điều kiện. Tại khu Bắc Nghi Sơn, cũng sẽ đầu tư tuyến luồng hàng hải công cộng phục vụ tàu trọng tải lớn tương đương.
Các dự án được ưu tiên chú trọng đầu tư gồm đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như: khu neo chờ, tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Với quy hoạch toàn diện và nguồn lực đầu tư lớn, Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm cảng biển quan trọng phía Bắc, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Yến Hoàng
6 tháng đầu năm 2025, lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ số Việt Nam đạt doanh thu trên 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế số quốc gia.