Thanh Hóa sẽ là tỉnh đạt nông thôn mới bền vững

Địa phương
03:30 PM 21/10/2020

Trong quá trình 10 năm (2010-2020), thực hiện MTQG về xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt là địa phương có số xã xây dựng NTM lớn nhất cả nước (toàn tỉnh có 481 xã, trước sáp nhập là 569 xã). Được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao về những thành tích nổi trội trên. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, PV tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa sẽ là tỉnh đạt nông thôn mới bền vững - Ảnh 1.

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa.

PV: Ông có thể khái quát về kết quả 10 năm xây dựng NTM, những thành tựu và cách làm?

Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả khá toàn diện, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM theo mục tiêu đã đề ra. Làm thay đổi căn bản nông thôn, hiện nay xây dựng NTM đã trở thành phong trào tự giác, sâu rộng trong nhân dân; đời sống cũng như vị thế của người dân được nâng lên rõ rệt.

Trong quá trình thực hiện, Thanh Hóa luôn có sự nỗ lực lớn, trăn trở và tìm ra cách làm sáng tạo, đổi mới, đặc biệt là đã khơi dậy và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia một cách chủ động, sáng tạo, tích cực; làm cho người dân nhận thức rõ việc xây dựng NTM là do chính người dân thực hiện và chính họ thụ hưởng. Điều này càng được thể hiện rõ nét nhất trong việc xây dựng Khu dân cư mới nâng cao, Khu dân cư mới kiểu mẫu. Việc xây dựng NTM chính là điều kiện tốt nhất cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, bởi lợi ích của việc xây dựng Khu dân cư NTM mang lại quyền lợi thiết thân, thiết thực cho người dân, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển tốt hơn, môi trường sống được cải thiện rõ nét, tình làng, nghĩa xóm gắn kết mật thiết hơn, xã đạt chuẩn NTM thuyết phục và bền vững hơn.

Là địa phương có số xã xây dựng NTM lớn nhất cả nước. Đặc biệt có 23/100 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 30a, 16/30 xã bãi ngang ven biển đạt chuẩn NTM, vượt 2,55% so với mục tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh; cao hơn bình quân chung của khu vực Bắc Trung Bộ 6,43%. Cao hơn 1,3 tiêu chí so với bình quân chung toàn quốc và 0,76 tiêu chí so với khu vực Bắc Trung Bộ.

Đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 313 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 312 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 330 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu cả giai đoạn. Đến tháng 7/2020, có 05 xã NTM nâng cao và 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đến tháng 7/2020 là 08 đơn vị. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, vượt 60% mục tiêu cả giai đoạn.

Khi kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, diện mạo NTM thực sự khởi sắc, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống nhân dân luôn được cải thiện. Đặc biệt đã làm thay đổi căn bản khu vực nông thôn, nhất là so với xuất phát điểm của tỉnh năm 2010 (nhiều chỉ tiêu thấp, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 26, 96% năm 2010 xuống còn 6,25% năm 2018, bình quân giảm 2,56%; năm 2019 giảm còn 3,7%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 8,9 tiệu đồng năm 2010 lên 32,5 triệu đồng 2018, tăng 3,65 lần so với năm 2010. Có 1 huyện (Như Xuân) ra khỏi danh sách huyện nghèo đặc biệt khó khăn theo NQ 30a…

Cảnh quan, môi trường nông thôn có sự thay đổi tích cực; nhận thức, tư duy của người dân ngày càng thay đổi rõ, chuyển từ "thụ hưởng, bị động", sang "chủ thể, chủ động". Hệ thống chính trị được củng cố, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng cao...

Kết quả tổng huy động nguồn lực giai đoạn 2010 - 2019 đạt 56.394,141 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động cộng đồng dân cư là 11.974,506 tỷ đồng, chiếm 21,23%...

PV: Bài học rút ra từ những thành tựu Thanh Hóa đã đạt được trong xây dựng NTM là gì?

Trước hết, phải có quan điểm đúng đắn, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; xác định rõ xây dựng NTM là chương trình có tác dụng lớn, toàn diện đến xã hội nông thôn; tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc một cách quyết liệt, với phương châm: "Dựa vào dân để lo cho cuộc sống của dân", luôn quán triệt phương châm của Ban chỉ đạo TW "NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc".

Trong quá trình thực hiện, phải đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, ý thức cho đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Biết lựa chọn các nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng và kiên trì tổ chức thực hiện; xây dựng mô hình, điển hình tốt, thuyết phục để nhân rộng; phải biết "giữ lửa" cho phong trào xây dựng NTM. Tăng cường đối thoại, phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo sự tin tưởng của người dân, cộng đồng và toàn xã hội.

PV: Theo ông, quan điểm xây dựng NTM thời gian tới ở Thanh Hóa như thế nào?

Trong khi chưa có hướng dẫn của Trung ương, Thanh Hóa đã chủ động ban hành hướng dẫn việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM, được Trung ương ghi nhận, và ban hành hướng dẫn thực hiện trên cả nước. Chúng tôi xác định đây là niềm vinh dự, cơ hội cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa và tỉnh cũng xác định rõ đây là trách nhiệm cao đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 toàn tỉnh sẽ đạt kết quả cao hơn, vững chắc, góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: Xây dựng NTM phải gắn với xây dựng con người kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu, thôn, làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu, theo đó, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí kiểu mẫu, phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu" theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với việc ưu tiên các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhằm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM. Yêu cầu xây dựng NTM phải đi vào chiều sâu, toàn diện và bền vững, gắn với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn, trong đó, ưu tiên hoàn thiện và cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị… Cùng với đó là yêu cầu bảo tồn và giữ vững các định chế xã hội (gia đình, cộng đồng), các giá trị văn hóa nông thôn, làng, xã và đời sống văn hóa, xã hội ở nông thôn một cách phù hợp và bền vững.

Muốn vậy, trước hết phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, nhất là lợi ích của người nông dân; phát huy sức mạnh nội sinh của người dân và cộng đồng; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, không ai được đứng ngoài cuộc.

Thanh Hóa xác định rõ trách nhiệm cao đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, chắc chắn chúng tôi sẽ đạt kết quả cao hơn, sẽ là tỉnh đạt chuẩn NTM bền vững; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM theo mục tiêu đã đề ra.

Triều Nguyệt (Thực hiện)
Ý kiến của bạn
Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần Hoa đỗ quyên đồng loạt bung nở, du khách đổ lên Fansipan check-in rần rần

Hoa đỗ quyên đồng loạt nở rộ trên dãy Hoàng Liên Sơn, khiến Sa Pa trở thành “điểm nóng” hút hàng ngàn du khách đến thưởng hoa, sống ảo. Rất nhiều bí quyết được các tín đồ đỗ quyên chia sẻ để có được những khoảnh khắc ngắm hoa đẹp nhất và những bức ảnh check-in ưng ý nhất.