Thanh Hóa: Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới
Chiều ngày 22/3, tại Trung tâm Hội nghị 25B, Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Dự hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia; Tôn Ngọc Hạnh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Về phía tỉnh Thanh Hoá, có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hoá; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hoá; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Thanh Hóa đều xác định Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới là chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Trong 2 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo báo cáo tại hội nghị: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thực hiện trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động và khó khăn. Yêu cầu của Bộ tiêu chí cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, nên việc thực hiện khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng kế hoạch.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2022 của tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.
Trong 02 năm (2021-2022) và quý I/2023, Thanh Hoá có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn bản được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; 53 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 11 xã và 254 thôn bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí Nông thôn mới/xã (tăng 0,23 tiêu chí so với năm 2020).
So sánh với mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021-2025: Thanh Hoá đã đạt 63% chỉ tiêu huyện Nông thôn mới, 86% chỉ tiêu xã Nông thôn mới, 80% chỉ tiêu thôn bản Nông thôn mới; 45% chỉ tiêu xã Nông thôn mới nâng cao; 29% chỉ tiêu xã Nông thôn mới kiểu mẫu, 91% chỉ tiêu thôn bản Nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong 2 năm 2021-2022 đạt hơn 13.980 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 55,4%.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn tới, như: số xã chưa đạt chuẩn Nông thôn mới của các huyện miền núi còn nhiều, chủ yếu là những xã rất khó khăn về nguồn lực; nguồn thu của nhiều địa phương khó khăn hơn, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được nâng cao hơn giai đoạn trước, vì vậy, nhiều nội dung tiêu chí rất khó khăn để thực hiện, nhất là ở các xã miền núi…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu, ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đạt được từ sự quyết tâm, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá trong việc chung sức xây dựng Nông thôn mới. Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Thanh Hoá đang phải đối mặt, Bộ trưởng đề nghị Thanh Hoá tiếp tục chủ động tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, nguồn lực mới trong việc xây dựng Nông thôn mới.
Đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà tỉnh Thanh Hoá đề ra để phấn đấu thực hiện xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở thêm một số vấn đề, cách làm trong xây dựng Nông thôn mới; đồng thời lưu ý: Mục tiêu của xây dựng Nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ tin tưởng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc.
Theo đồng chí, những sáng tạo trong XDNTM ở Thanh Hóa đã truyền thêm cảm hứng và động lực cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như cá nhân Bộ trưởng. Đây là cơ sở để Bộ và tỉnh cùng nhau kiến tạo những không gian phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Đồng thời, bày tỏ niềm tin Chương trình MTQGXDNTM của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc, như cốt cách người xứ Thanh trong suốt chiều dài lịch sử.
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM thời gian qua. Điều này đã đem lại nhiểu thay đổi tích cực, nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hoá trong 2 năm qua, dù chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có những thách thức chưa từng có tiền lệ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã phân tích sâu những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, đúc rút các bài học kinh nghiệm; đồng thời lưu ý: Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% diện tích toàn tỉnh; lao động nông nghiệp và số người dân sống trong khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động và dân cư trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Thanh Hoá.
Qua thực tiễn, đồng chí đúc rút ra 5 bài học kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Nhân dịp này, 130 tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu được vinh danh khen thưởng nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua "Chung sức xây dựng Nông thôn mới năm 2021-2022".
Yến HoàngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.