Thanh Hóa sử dụng các biện pháp cấp bách để chống COVID-19

Địa phương
05:34 PM 07/08/2020

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về thực hiện các biện pháp cấp bách, mạnh tay để ngăn chặn dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Đình Xứng vừa kết luận và yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện cấp bách công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Thanh Hóa sử dụng các biện pháp cấp bách để chống COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn ĐÌnh Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa chủ trì cuộc họp trong đêm.

Để đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, kể từ ngày 4/8, yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở các địa điểm tập trung đông người như tại cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở y tế, trường học, các cơ sở cung cấp dịch vụ, nơi công cộng. Các cá nhân phải chấp hành và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; lau rửa các thiết bị, phòng làm việc, phòng họp và nơi tập trung đông người bằng dung dịch sát khuẩn. Đối với các cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Chủ động cài đặt và sử dụng phần mềm Bluezone trên điện thoại thông minh, phục vụ cảnh báo sớm cho người dùng khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.

Với mục tiêu "mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch", ông Xứng yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và xã hội. Các cơ quan chức năng phải giám sát các đối tượng có nguy cơ cao, tổ chức cách ly kịp thời và tiếp tục tăng tối đa công suất xét nghiệm sàng lọc các ca bệnh là người ở nước ngoài nhập cảnh vào tỉnh theo đường không chính thức, nhất là những người liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng.

Ông Xứng cũng yêu cầu, khi có những người có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19, các đơn vị phải vào cuộc ngay để tăng khả năng kiểm soát dịch, tuyên truyền bằng mọi hình thức về tình hình dịch bệnh và phải công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng chống dịch.

Đối với Sở Y tế, tiếp tục cập nhập phương án phòng chống dịch, phương án cách ly, phương án phong toả bệnh viện, khu dân cư khi có dịch; điều chỉnh phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 nếu xuất hiện ca bệnh. Đối với công tác xét nghiệm, ưu tiên làm xét nghiệm đối với những bệnh nhân về từ vùng dịch trở về theo 28 điểm nguy cơ của Bộ Y tế thông báo, 113 bác sĩ từ Đà Nẵng về và các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Ngành Y tế, CDC Thanh Hóa thực hiện tối đa công suất xét nghiệm (400 mẫu/ngày); đồng thời chuẩn bị các cơ sở xét nghiệm, máy móc, trang thiết bị để khi xuất hiện tình huống phức tạp sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý phương án dừng các hoạt động dịch vụ karaoke, massage, vũ trường trong vòng 15 ngày kể từ ngày 7/8. Các cơ sở dịch vụ khác thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, khi cần tổ chức phải thực hiện các biện pháp phòng chống và thực hiện giãn cách. Những sự kiện lớn trên 100 người phải báo cáo Ban chỉ đao tỉnh.

Trong khi đó, để đảm bảo an toàn cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, toàn tỉnh có 34.879 thí sinh đăng ký dự thi, bố trí 70 điểm thi với hơn 1.490 phòng thi, huy động khoảng trên 5.000 cán bộ tham gia coi thi; 350 người tham gia chấm thi; tỉnh yêu cầu các ngành liên quan bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho kỳ thi, thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi, các hội đồng thi chuẩn bị khẩu trang dự phòng để phát khi thí sinh không mang khẩu trang; các điểm thi thực hiện kiểm tra thân nhiệt cho tất cả thí sinh và người làm nhiệm vụ thi; tại TP. Sầm Sơn duy trì khoảng cách 2m giữa các thí sinh tại các phòng thi. Đối với những trường hợp thí sinh tiếp xúc với F1, F2 sẽ không tham gia kỳ thi mà được tổ chức thi vào đợt 2; giao lực lượng công an, y tế kiểm tra khẩu trang, an ninh để tránh gian lận trong thi cử.

Hạn chế tổ chức các sự kiện đông người không cần thiết, khi tổ chức cần phải bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách; sự kiện của gia đình hạn chế khách mời, không mời khách tỉnh ngoài.

Tổ giám sát các cấp từ thôn trở lên phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các nguồn nguy cơ với mục tiêu cao nhất giám sát không để dịch bệnh xảy ra. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm chế độ trực ban và duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục 24/24 giờ trong ngày.

Tăng cường công tác truyền thông từ tỉnh đến xã, nhất là qua các Đài truyền thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở thông tin kịp thời tình dịch, các biện pháp, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, thông tin các trường hợp đang cách ly tại địa phương. Công tác tuyên truyền phải được nâng cao cả về cấp độ, tần suất để đáp ứng yêu cầu thông tin của nhân dân và đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong bối cảnh Thanh Hóa đã có ca bệnh.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn