Thanh Hóa: Sức hấp dẫn của các khu công nghiệp với nhà đầu tư Nhật Bản
Các Khu công nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện đang có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Từ nền móng đầu tiên là Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, đến nay Khu kinh tế Nghi Sơn đã trở thành điểm dừng chân của những dự án tầm cỡ hàng đầu cả nước như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 và một số nhà máy khác cũng trong lĩnh vực chế biến chế tạo...
Sự hiện diện và phát triển của các nhà máy lớn với nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ và sau lọc hóa dầu đang là một trong những lý do hấp dẫn để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản.
Đến nay, trong tổng số 143 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Thanh Hóa, nguồn vốn từ Nhật Bản đã là 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI. Trong số 17 dự án FDI Nhật Bản đầu tư vào Thanh Hóa, đa phần các doanh nghiệp lựa chọn điểm đến là các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị Kết nối đầu tư Thanh Hóa - Nhật Bản được tổ chức mới đây tại Thanh Hóa, khi nói về những điều kiện, cơ hội phát triển các mối quan hệ hợp tác mới trong đầu tư, Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Hayashi Motoo đã bày tỏ ấn tượng đặc biệt đối với Khu kinh tế Nghi Sơn.
Theo ông Hayashi Motoo, không chỉ có diện tích rộng tới 106.000 ha với các phân khu, Khu công nghiệp nhỏ cụ thể và nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, Khu kinh tế Nghi Sơn còn có hệ thống cảng biển hiện đại có thể tiếp nhận tàu từ 250.000 tấn. Tại đây cũng đã có hãng tàu thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa container quốc tế. Khu kinh tế Nghi Sơn còn được đầu tư kết nối hạ tầng thuận tiện, có các nhà máy điện công suất lớn, bảo đảm nguồn năng lượng cho sản xuất lớn. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư các ngành công nghiệp nặng phù hợp với định hướng quy hoạch.
Còn tại chuyến thăm các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn vừa qua, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ sự hấp dẫn đối với tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp sau lọc hóa dầu.
Theo đại diện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, ngoài sản phẩm chính là khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa, hiện nay nhà máy đã sản xuất, xuất bán ra thị trường được nhiều loại sản phẩm khác như Benzen, Polypropylene, lưu huỳnh... Các sản phẩm này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp chế biến, sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới mà Nhật Bản là một trong những quốc gia có thế mạnh. Khi đầu tư nhà máy tại Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và xuất bán sản phẩm qua hệ thống cảng biển đã và đang được đầu tư ngày càng hiện đại hơn.
Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, nhiều khu công nghiệp khác cũng có sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản từ khá sớm như: Dự án xây dựng chế tạo cầu và kết cấu thép của Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng cầu Châu Á YADA có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, công suất 3.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Đây là dự án với mục tiêu chế tạo và xây dựng cầu thép, các sản phẩm kết cấu thép phục vụ phát triển hạ tầng và giao thông, các trang thiết bị máy móc được đầu tư đồng bộ hiện đại với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng cầu thép của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Một số nhà máy may mặc, giày da quy mô lớn cũng đã được đầu tư xây dựng tại các khu công nghiệp có điều kiện gần nguồn lao động như: Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH Nomura Thanh Hóa, Công ty TNHH Yotsuba tại KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa...
Ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các thành phố lớn ra các khu vực lân cận. Nguyên nhân là do chi phí nhân công tại các thành phố lớn cao và tăng liên tục (khoảng 6%/năm).
Do đó, các khu công nghiệp tại địa phương lân cận trung tâm kinh tế lớn như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định chính là những điểm đến để các doanh nghiệp Nhật Bản xem xét lại chuỗi cung ứng trong toàn hệ thống và các dự án đầu tư. Đặc biệt, khi các tuyến đường cao tốc mới đã được đưa vào khai thác chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản tự tin và có quyết định nhanh chóng hơn khi đến tìm hiểu các khu công nghiệp tại Thanh Hóa.
Không chỉ có sức hấp dẫn đối với các dự án đầu tư thứ cấp, lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Thanh Hóa cũng đã và đang được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Hiện nay, Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long, thuộc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hiện đang nghiên cứu đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa.
Nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa hiện tại khoảng 11,2 km về phía Tây, vị trí quy hoạch khu công nghiệp mới này thuộc các xã: Đồng Thắng, Đồng Lợi, Đồng Tiến (Triệu Sơn); Đông Yên, Đông Văn, Đông Thịnh (Đông Sơn) và xã Đông Tân, phường An Hưng (TP Thanh Hóa).
Với tổng diện tích 1.200 ha, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ này sẽ được bố trí phát triển các ngành công nghiệp tập trung theo hướng công nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và dịch vụ đô thị với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản. Do đó, nếu khu công nghiệp này được Tập đoàn Sumitomo đầu tư thành công, sẽ có nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản hợp tác thành công với tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, Thanh Hóa đã thành lập bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản (Japan Desk Thanh Hóa), đồng thời kiện toàn bộ máy Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Thanh Hóa nhằm tăng cường thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Cùng với những nỗ lực tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh rất có trách nhiệm và luôn lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng hành, trước, trong và sau quá trình đầu tư, kỳ vọng Thanh Hóa sẽ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp đến từ "xứ sở mặt trời mọc".
Vũ QuỳnhCòn một tháng nữa mới kết thúc năm nhưng số thu thuế thu nhập cá nhân cuối tháng 11 ước đạt 106,9% dự toán, với 170.000 tỷ đồng.