Thanh Hóa: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ thị trường dịp cuối năm
Thông thường, vào thời điểm cuối năm, các hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra khá nhộn nhịp. Đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… Để góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT Thanh Hóa đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT Thanh Hóa) đã phối hợp với Công an TP. Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Thanh Hóa, năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng đã kiểm tra 235 cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện, xử lý 197 vụ vi phạm hành chính, với tổng giá trị xử phạt và trị giá hàng hóa tiêu hủy 940 triệu đồng. Trong đó, đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng TP Thanh Hóa kiểm tra, phát hiện và xử lý 119 vụ vi phạm; phạt vi phạm hành chính với số tiền 439 triệu đồng; trị giá hàng hóa chờ bán, chờ tiêu hủy 7,4 triệu đồng.
Thời gian này, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được Ban Chỉ đạo 389 TP. Thanh Hóa tăng cường triển khai. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng trọng điểm như: bia, rượu, xăng dầu, thuốc lá; phân bón; thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng điện tử, điện thoại di động; gỗ, hóa chất...
Đánh giá về thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng trong thời gian qua, đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 nhận định, các vụ việc vi phạm tập trung chủ yếu ở hành vi hàng hóa giả mạo nhãn mác, gian lận nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Dùng chiêu bài giảm giá, đại hạ giá để tuồn ra thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng mà có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh; quần áo, giày dép; lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... còn dư lượng kháng sinh, sử dụng các hóa chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản.
Nhằm tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 TP Thanh Hóa đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 1 bám sát Kế hoạch số 1554/KH-QLTTTH ngày 14/11/2023 của Cục Quản lý thị trường tỉnh về "Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024" , triển khai xây dựng phương án, chủ trì mở các đợt kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đồng thời chủ động nắm bắt, dự báo tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố, nhất là các địa bàn, tuyến trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, từ đó đề xuất kịp thời các biện pháp đấu tranh hiệu quả. Đặc biệt là tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tết cho Nhân dân.
Bên cạnh đó Ban chỉ đạo 389 còn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền 34 phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cũng như các hoạt động kinh doanh trên một số tuyến phố khu vực nội thành, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và phối hợp đấu tranh phòng chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... trên môi trường thương mại điện tử.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không thực hiện niêm yết giá, bán hàng không theo giá niêm yết đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý niêm yết giá đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề về hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịp cuối năm 2023, trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024.
Cùng với đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được đẩy mạnh; tăng cường giới thiệu, hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả và thông tin các điểm bán hàng, địa chỉ cung ứng hàng hóa uy tín của sản phẩm để người tiêu dùng biết. Kết hợp vận động Nhân dân, doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả; tích cực tham gia đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đội Quản lý thị trường số 1 và các phường, xã còn triển khai tổ chức ký cam kết "Không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng", gắn với kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng TP Thanh Hóa trong công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Yến HoàngViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.