Thanh Hóa: Tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu
Để góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu năm 2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2022.
Mỗi dịp Tết Trung thu, thị trường hàng hóa tại các địa phương trong tỉnh sôi động và có nhiều diễn biến phức tạp; các đối tượng tăng cường sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả với số lượng lớn, đặc biệt là nhóm mặt hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, đồ chơi trẻ em... Để ổn định thị trường, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh mà nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường triển khai các kế hoạch kiểm soát, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cơ sở kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể nói, đây là thời điểm dễ xảy ra tình trạng hộ kinh doanh trà trộn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các mặt hàng đồ chơi trẻ em, bánh, kẹo, nước giải khát...
Để né tránh cơ quan chức năng, nhiều chủ cửa hàng tìm cách kinh doanh thông qua các website, sàn thương mại điện tử hay trang mạng xã hội Facebook, Zalo. Hệ lụy là kéo theo những diễn biến phức tạp của thị trường kinh doanh các mặt hàng này, khi nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực, không rõ nguồn gốc, không có dấu hợp quy... được rao bán công khai. Ngoài ra, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh online các loại đồ chơi chứa chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, với những thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Nhằm bảo vệ quyền của người tiêu dùng, được tiếp cận với các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, công tác quản lý về ATTP được các cơ quan chức năng tập trung, tăng cường quản lý, lập danh sách các cơ sở sản xuất bánh trung thu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đi kiểm tra điều kiện chung về ATTP như: Điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị dụng cụ; đặc biệt là các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện ATTP trong sản xuất.
Ngoài ra, trong dịp Tết Trung thu, Cục QLTT tỉnh sẽ tăng cường công tác hậu kiểm tra ATTP đối với mặt hàng bánh trung thu. Chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sau Tết Trung thu Cục QLTT tỉnh sẽ kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, tránh việc các cửa hàng bán giảm giá, khuyến mãi hoặc tái sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn cho người tiêu dùng...; các điểm tập kết, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, chất cấm trong bảo quản và chế biến thực phẩm; các phương tiện vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh phía Bắc vào và các tỉnh phía Nam đi qua hoặc vào trong thị trường tỉnh; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Đặc biệt, đối với các mặt hàng đồ chơi trẻ em, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em độc hại, gây kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra các thành viên trong tổ công tác kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và đảm bảo ATTP để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân cấp, địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách khẩn trương tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với tăng cường công tác kiểm soát, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng chỉ đạo các ngành thành viên kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Đồng thời, thông tin về đường dây nóng để Nhân dân phát giác, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm để tiến hành ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo và chủ động kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành các công văn về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2022. Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các địa điểm thường xuyên giao, nhận, trao đổi hàng hóa, kho chứa hàng hóa, điểm tập kết hàng hóa, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Trong đó, lưu ý tập trung kiểm tra, kết hợp công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ tại khu dân cư, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là kiểm tra các sản phẩm bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh kẹo có nguồn gốc từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chỉ đạo các đội quản lý thị trường chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, chất lượng an toàn thực phẩm, các nguyên liệu thành phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài, điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm quy định về đăng ký bản công bố/tự công bố sản phẩm sử dụng phẩm màu hương liệu phụ gia, bao bì thực phẩm ghi nhãn sản phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; công khai tên cơ sở, địa chỉ loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần răn đe phòng ngừa.
Sau dịp Tết Trung thu, lực lượng chức năng sẽ thu hồi các sản phẩm hết hạn và tiêu hủy theo quy định.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc kiểm soát thị trường, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng hóa có tem nhãn tại địa chỉ uy tín, tránh mua phải hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cũng như sức khỏe của mình và gia đình.
Yến HoàngTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.