Thanh Hóa tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch

Địa phương
04:08 PM 15/08/2022

Là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, du lịch giờ đây đã không nằm trong phạm vi một vùng, một tỉnh. Do tính chất đặc thù, khác biệt của mỗi địa phương, nên hiện nay việc liên kết để xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch là xu thế chung đang được các địa phương và tỉnh Thanh Hóa lựa chọn, đã tạo nên được nhiều cơ hội hợp tác phát triển, trao đổi thị trường khách du lịch trong bốn mùa.

Du lịch là ngành kinh tế chịu sự tác động của nhiều ngành, đồng thời chịu ảnh hưởng của nhiều cấp theo chiều dọc. Du lịch, bản thân là một ngành liên kết giữa lữ hành, khách sạn, lưu trú, sản xuất. Việc liên kết này dựa trên cơ sở phân công lao động với các lợi thế so sánh giữa các vùng nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng niềm trong cả nước. 

Liên kết phát triển vùng du lịch cho phép khai thác lợi thế của các địa phương tham gia liên kết như: tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực cho phát triển du lịch. Mặt khác, đây còn là nhân tố quan trọng để làm tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch, thu hút khách du lịch đến vùng du lịch với tư cách là một điểm đến thống nhất. Vì vậy, liên kết vùng để phát triển du lịch là  một tất yếu khách quan trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Thanh Hóa tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch - Ảnh 1.

Đỉnh Pù Luông Bá Thước

Nếu như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, tìm về thiên nhiên và ẩm thực dân dã, thì du lịch các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ nói chung, Thanh Hóa nói riêng lại có những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái... tạo thành một chuỗi du lịch xuyên suốt với nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn du khách thập phương.

Có lợi thế chung về hệ thống giao thông, từ đường bộ đến đường hàng không, có đường bay kết nối thẳng đến nhiều địa phương, vì vậy, những năm gần đây, giữa Thanh Hóa và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên có các chương trình khảo sát, ký kết, phối hợp và trao đổi thị trường khách. Cùng với đó là nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp đã tạo nên bức tranh về du lịch mang đậm dấu ấn đặc trưng của 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, tháng 7/2022, tại thanh phố Thanh Hóa diễn ra hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch "Cần Thơ - Đô thị miền sông nước", đã mang đến những sản phẩm du lịch mới, với giá trị đặc trưng giữa các vùng miền, tạo sự kết nối giữa 2 địa phương.

Thanh Hóa tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch - Ảnh 2.

Bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: "Có thể nói tiềm năng của 2 địa phương đã giới thiệu đã tạo ra chùm sản phẩm du lịch, những dịch vụ, gói combo, giới thiệu để thu hút đến với Thanh Hóa, Cần Thơ".

Sự hợp tác, liên kết là chìa khóa mở ra cơ hội phục hồi du lịch Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng trong tình hình mới. Vài tháng gần đây, Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước từ chiến lược đến hành động. Trong đó, tập trung triển khai các sự kiện, chương trình kích cầu, quảng bá du lịch; liên kết để xây dựng tour, tuyến kết nối điểm đến. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Hiệp hội du lịch Thanh Hoá đã tổ chức nhiều đoàn Famtrip, mời Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp lữ hành Bắc, Nam đến Thanh Hóa khảo sát các điểm đến, dịch vụ; tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch; tung ra các sản phẩm tour liên kết, hấp dẫn năm 2022 với phương châm: an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Trong lĩnh vực du lịch, các nội dung hợp tác xây dựng chủ yếu trên phương trâm: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và xúc tiến kêu gọi đầu tư. Theo ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du  lịch tỉnh Thanh Hóa: trong liên kết, hợp tác, chúng tôi chú trọng việc cùng các địa phương xây dựng nội dung phối hợp cụ thể, căn cứ từ tiềm năng, tài nguyên du lịch cùng các điều kiện liên quan nhằm làm sao phát huy tối đa sức mạnh tiềm năng của từng địa phương. Trong đó, việc "định vị sản phẩm du lịch đặc sắc của từng vùng" nhằm tạo sức hút đối với du khách khi đến mỗi địa phương là rất quan trọng, có như vậy mới tạo ra sức bật, tạo điểm nhấn cho từng vùng cụ thể.

Thanh Hóa tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch - Ảnh 3.

Sự hùng vĩ của Thác Hiêu, Bá Thước, Thanh Hóa

Việc ngành du lịch Thanh Hóa chủ động xúc tiến, quảng bá điểm đến, liên kết hoạt động không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch, mà còn giúp các doanh nghiệp lữ hành có cơ hội tiếp cận, đưa tour tuyến du lịch hấp dẫn, đặc trưng tới du khách; thúc đẩy chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa và trao đổi thị trường khách giữa các vùng, miền trong cả nước; đồng thời khẳng định, Thanh Hóa là tỉnh giàu tiềm năng và lợi thế để phát triển đa dạng các sản phẩm đón khách bốn mùa.

Cũng theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du  lịch tỉnh Bạc Liêu, Cụm trưởng Cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: Trong quá trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch, các địa phương thuộc khu vực phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang đã và đang nỗ lực xác định, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương để tạo sự khác biệt, như: Đối với An Giang là sản phẩm du lịch tâm linh; thành phố Cần Thơ là sản sản phẩm du lịch sông nước, còn đến với Bạc Liêu lại là sản phẩm du lịch từ chính những công trình phát triển kinh tế như công trình điện gió, khu nuôi tôm theo công nghệ cao...

Liên kết vùng là một trong những khâu đột phá để phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà biên giới du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền. 

Để liên kết phát triển du lịch thực sự có hiệu quả, bền vững, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng một hệ thống chính sách pháp luật vững mạnh là yếu tố cơ bản để việc thực thi, triển khai trong thực tế được thông suốt và mang tính hiệu quả cao, đạt được mục tiêu gắn liên kết du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và điều đó cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát huy tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng như các nghị quyết Trung ương và Chính phủ đã đề ra.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…