Thanh Hóa: Tăng cường phòng chống dịch tại các khu công nghiệp trọng điểm
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên cả nước, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký Công văn số 10965/UBND-VX gửi Ban quản lý khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, các khu công nghiệp (KCN) cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các KCN. Tỉnh chỉ đạo nâng cao tinh thần cảnh giác “chống dịch như chống giặc”, không được lơ là, chủ quan, buông lỏng quản lý.
Khu kinh tế Nghi Sơn là khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, có số lượng lao động tập trung lớn với hơn 96.000 lao động làm việc tại 411 doanh nghiệp, đặc biệt có 941 lao động nước ngoài được cấp phép lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Bởi vậy, Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thường trực. Tổ trưởng là giám đốc ban và 7 thành viên hoạt động kiêm nhiệm. Tổ công tác có nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện phòng, chống dịch cũng như yêu cầu tất cả các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch cụ thể theo các tình huống dịch và phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị; thường xuyên thực hiện đánh giá mức độ an toàn cập nhật lên hệ thống, rà soát, khắc phục các tiêu chí chưa đạt.
Yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên tiến hành tầm soát dịch cho công nhân lao động tại cơ sở. Quyết tâm không để lây lan dịch bệnh cũng như đứt gãy chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người lao động và các tầng lớp nhân dân, bám sát tinh thần, chủ trương, đường lối của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh đề ra.
Triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong các KCN, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo phương châm "một đường đi, hai điểm dừng" để phòng chống dịch hiệu quả cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Người lao động chỉ đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; hướng dẫn và yêu cầu người lao động cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên đường đi, về, tại nơi lưu trú và tại nơi làm việc. Đề nghị các KCN, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bố trí, sắp xếp hoạt động sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ. Tăng cường học hỏi các địa phương đã và đang chống dịch thành công để đúc rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp phù hợp. Vừa làm, vừa học hỏi trên tinh thần cầu thị nhằm tạo "khiên chắn" vững vàng trong công tác phòng chống dịch tại các KCN trọng điểm.
Lãnh đạo các KCN, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ, công nhân viên và khách hàng phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại cửa ra vào công ty, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào, nhất là các bộ phận sản xuất, yêu cầu người lạ ra vào phải có giấy xét nghiệm âm tính. Các biện pháp phải được thực hiện quyết liệt, thống nhất, chặt chẽ với sự giám sát, quản lý từ cấp ủy chính quyền. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân.
Trao đổi với PV tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, ông Nguyễn Tất Thành, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và người lao động, Thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch, Ban quản lý đã có nhiều biện pháp cụ thể, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng phương án phòng, chống dịch. Đồng thời tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói vay ưu đãi của Chính phủ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Ưu tiên công tác tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KKT và các KCN trên địa bàn. Có như vậy, mới đảm bảo thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" – phòng chống dịch Covid-19 song song với phát triển kinh tế."
Theo báo cáo sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021, KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn vẫn ghi nhận giá trị sản xuất đạt 91.593 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước 8.231 tỷ đồng chiếm 51,8% thu ngân sách toàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó đáng chú ý có kim ngạch xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ, giải quyết việc làm cho 96.924 lao động, tăng 9,3% đóng góp phần lớn vào thành tích tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất trong số các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác chấp hành của nhân dân trong tỉnh, đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của PV, tại các KCN trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang được thực hiện tốt, các biện pháp phòng, chống dịch được siết chặt, chủ động nâng cao mức độ cảnh báo lên một bước, đặc biệt chưa xuất hiện ca lây nhiễm trong các khu công nghiệp.
Khống chế dịch đã khó, duy trì sản xuất, phát triển kinh tế trong giai đoạn này còn khó khăn gấp bội. Vì vậy, rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn thể nhân dân trong tỉnh để làm sao cùng với các cấp ủy chính quyền giữ vững những thành quả đã đạt được và cũng là để đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.