Thanh Hóa: Tăng cường triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Địa phương
10:05 AM 20/03/2024

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý thuế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.

Sau một năm thực hiện giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, số lượng cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử vẫn còn thấp so với tổng số đơn vị thuộc đối tượng triển khai.

Một số cơ sở kinh doanh có số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền còn ít, chưa tương xứng với quy mô và hoạt động kinh doanh thực tế; tỷ lệ cơ sở kinh doanh đã đăng ký nhưng không sử dụng còn cao.

Thanh Hóa: Tăng cường triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền- Ảnh 1.

Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch

Để mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, ngày 18/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 3582/UBND-KTTC, yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa chủ động tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh năm 2023, để đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục; từ đó, đề xuất các giải pháp hiệu quả để quản lý, mở rộng triển khai trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trọng tâm sẽ là công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn cho người mua hàng theo đúng quy định của pháp luật thuế. Đồng thời rà soát, xác định cơ sở dữ liệu, danh sách các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024; giao chỉ tiêu triển khai đến từng công chức và các cấp quản lý để hỗ trợ, hướng dẫn, vận động, đôn đốc các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là đối với các trường hợp đã đăng ký nhưng chưa sử dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các lực lượng, đơn vị trực thuộc nắm bắt, nhận định kịp thời các hình thức gian lận trong việc sử dụng hóa đơn điện tử nhằm trốn thuế, thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế để có giải pháp ngăn chặn kịp thời; tổ chức điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục chỉ đạo các Đội quản lý thị trường kết hợp công tác quản lý địa bàn để thực hiện tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh, đảm bảo các mặt hàng phải đăng ký giá, kê khai giá theo quy định để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị không thực hiện niêm yết giá, niêm yết giá không đúng quy định và bán hàng hóa không đúng theo giá đã niêm yết.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.