Thanh Hóa: Tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện Mường Lát

Địa phương
11:02 AM 03/10/2022

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điều này đã mở ra cơ hội mới cho huyện biên giới xa xôi, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước một hướng phát triển mới.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản, ước đạt 246,938 triệu đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2.277,18 ha/4.826,6ha, đạt 47,18% kế hoạch năm. Nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng ước đạt 40/75 tấn, giá trị sản xuất nuôi trồng ước đạt 1.140 triệu đồng. 

Thanh Hóa: Tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện nghèo Mường Lát - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát.

Về chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, huyện đã giao chỉ tiêu cho 2 xã Trung Lý (măng khô) và xã Mường Chanh (bí thơm). Hiện nay các xã đã chọn được chủ thể triển khai thực hiện và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và sản phẩm. Tổng thu Ngân sách Nhà nước ước đạt: 8.685 triệu đồng, trong đó, thu NSNN trên địa bàn ước đạt 8.595 triệu đồng, đạt 119% so với dự toán huyện giao. 

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025 (chuẩn mới) trên địa bàn huyện là 4.905 hộ nghèo, tỷ lệ 56,18%; Hộ cận nghèo: 1.104 hộ; tỷ lệ 12,64%. Các chính sách, chương trình mục tiêu, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh. Tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Công tác đối ngoại được duy trì với huyện Sốp Bâu và huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Có thể nói, Mường Lát được xác định là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh, có đường biên giới dài, nhiều đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Mông sinh sống; bởi vậy việc tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức của người dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa là một việc làm rất cần thiết.

Quan điểm mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra khi ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU là xây dựng và phát triển huyện Mường Lát nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật; thu hút và phát triển hợp lý các ngành công nghiệp giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp chế biến, nông lâm sản; mở rộng dịch vụ, thương mại ở những nơi có điều kiện.

Thanh Hóa: Tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện nghèo Mường Lát - Ảnh 2.

Thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát.

Đồng thời, huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các công trình dở dang, công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, công trình có tính kết nối liên bản, liên xã, liên huyện và tỉnh ngoài để tạo hành lang cho sự phát triển mới. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào, nhanh chóng xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Muốn tận dụng và phát huy được tối đa nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương, đơn vị trong tỉnh thì huyện phải nỗ lực tự thân, khơi thông được tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong huyện cần phải nhận thức được rằng đây vừa là cơ hội, cũng là thách thức, đòi hỏi phải có sự tiếp thu đầy đủ, triển khai thực hiện phù hợp; có nỗ lực vươn lên với khát vọng tự cường. 

Các ngành, các địa phương trong tỉnh, gần gũi nhất chính là hệ thống chính trị của huyện vừa có biện pháp giúp đỡ Nhân dân, vừa phải làm một cuộc cách mạng "thổi" vào Nhân dân trong huyện ý thức tự lực, tự cường, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại... Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát.

Với việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, có thể nói là tỉnh trao cho huyện hướng đi mới có lộ trình cụ thể, có cơ chế, chính sách rõ ràng để thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, huyện xác định, số kinh phí hàng năm tỉnh hỗ trợ chỉ là hữu hạn, điều quan trọng hơn nằm ở các cơ chế, chính sách kèm theo Nghị quyết số 11-NQ/TU sắp tới sẽ được HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa.

Chính vì vậy, Mường Lát phải vận dụng, phát huy những cơ chế, chính sách mới này một cách tốt nhất trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Để làm việc này, ý chí, khát vọng tự lực, tự cường trước tiên và trên hết vẫn phải đóng vai trò tiên quyết.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.