Thanh Hóa tạo việc làm cho 13.500 lao động trong quý I năm 2023
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, quý I/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm cho 13.500 lao động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có hơn 1.500 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông thứ 3 cả nước, với nguồn lao động dồi dào, hằng năm toàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm nghìn người đến tuổi lao động, cùng với đó là số học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường về tỉnh tìm việc làm đông; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hết hạn về nước... đều có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động là rất cấp thiết, qua đó góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong 3 tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện tuyển sinh 13.800 người (bằng 16,6% kế hoạch năm; tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022). Năm 2023, dự báo tỉnh Thanh Hóa sẽ có trên 60.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm.
Do đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa dự kiến sẽ tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 24 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm, 30 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, 24 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, trung tâm sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ việc làm thuộc Tiểu dự án 3; hỗ trợ việc làm bền vững thuộc dự án 4; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững dựa trên chương trình, kế hoạch đã xây dựng trong năm 2022.
Được biết, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó, giải quyết việc làm trong nước 53.000 người và xuất khẩu lao động 5.000 người.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát nhu cầu của người lao động. Tăng cường tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho lao động, học sinh trung học; tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tham gia thị trường lao động; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện về nguồn vốn vay, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Bên cạnh đó, các sở, ban ngành và địa phương cần tăng cường theo dõi, nắm bắt, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Yến HoàngCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.