Thanh Hóa: Tập trung giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Địa phương
05:49 PM 22/04/2024

Những năm qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã được nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tích cực thực hiện. Nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiện đại.

Với mục tiêu tiếp cận những công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra bước đột phá về năng suất, cải thiện chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển bền vững của nông nghiệp, "tạo một cực mới" trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tạo nên một diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Thanh Hóa: Tập trung giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ- Ảnh 1.

Sản phẩm Dưa vàng Kim Hoàng Hậu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của HTX Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu phát triển 2.000 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp.

Trước hết, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM; trong đó, xác định ưu tiên phát triển 13 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, tập trung thu hút vào các cụm liên kết ngành cấp tỉnh, gắn với vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện có hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Thanh Hóa: Tập trung giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ- Ảnh 2.

Vườn dâu tây tại nông trại Khoa farm tại thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp thông qua việc tạo điều kiện về tích tụ, tập trung đất đai và thực hiện xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng đến sản xuất, bảo quản, bao tiêu sản phẩm. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo được sức cạnh tranh cho hàng nông sản phát triển ở các thị trường trong và ngoài nước.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả, được ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực lựa chọn giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; chú trọng hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn với nhu cầu của thị trường như dưa vàng, dưa chuột baby, măng tây xanh, cà chua… 

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới với hệ thống tưới tiêu hiện đại gắn với chế biến, bảo quản...

Thanh Hóa: Tập trung giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ- Ảnh 3.

Sản phẩm Trà túi lọc và cà gai leo túi lọc của HTX Bình Sơn được Hội đồng bình chọn đánh giá cao

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật và khuyến nông; cơ giới hóa, đưa các quy trình tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

Sau 1 năm triển khai thực hiện đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2030, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 5 đơn vị sản xuất đã được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, với tổng diện tích sản xuất trên 13 ha.

Thanh Hóa: Tập trung giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ- Ảnh 4.

Các sản phẩm làm từ cói của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Có 13 Hợp tác xã nông nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, với các sản phẩm chủ yếu là rau an toàn, trồng nấm, sản xuất mật ong và đông trùng hạ thảo. Ngoài ra còn một số Hợp tác xã tham gia sản xuất, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp đối với sản xuất lúa hữu cơ.

Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đều tập trung ứng dụng công nghệ sinh học trong việc cung cấp dinh dưỡng, duy trì thiên địch, xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng, góp phần tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của thị trường.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước để chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.