Thanh Hóa: Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 2/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Sở Nội vụ chủ trì tham mưu tổ chức hội nghị làm việc với các chuyên viên, cán bộ lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh trực tiếp tiếp xúc, xử lý công việc liên quan đến doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, tháo gỡ "điểm nghẽn", hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu tổ chức hội nghị làm việc với các chuyên viên, cán bộ liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ngành chức năng khẩn trương tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa thoát khỏi những khó khăn sau thời gian dài doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngay sau đó lại phải đối mặt với những khó khăn mới của thời kỳ hậu dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu. Dù đã rất cố gắng nỗ lực, nhưng khó khăn, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Trong đó có những khó khăn đến từ thủ tục hành chính, quy định pháp lý, cũng như một số cơ chế đã trở nên lỗi thời nhưng chưa kịp thay đổi. Đáng nói là thái độ, trách nhiệm xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa kịp thời, hiệu quả, gây ức chế, cản trở sự phát triển sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với những gói tín dụng ưu đãi và chính sách có tính cấp bách. Công tác cải cách hành chính cũng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh là vẫn cần sự đồng hành hỗ trợ và tháo gỡ về thủ tục pháp lý, các quy định mang tính hành chính kịp thời hơn, để họ có thể tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lao động, dự án mới cũng như những ưu đãi khác.
Đây không phải lần đầu Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải có sự đồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Yêu cầu này đã được người đứng đầu UBND tỉnh đề cập nhiều lần ở nhiều diễn đàn. Vì vậy, các sở, ngành chức năng, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp xúc, xử lý công việc cho doanh nghiệp cần có sự quan tâm, thấu hiểu, giải quyết công việc ở mức độ cao hơn, kịp thời hơn. Làm tốt yêu cầu này không chỉ tạo ra "điểm tựa" góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Vũ QuỳnhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.