Thanh Hóa: Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, sản lượng lương thực năm 2022 của Thanh Hóa ước đạt trên 1,55 triệu tấn; rau quả 650 nghìn tấn; trái cây 390 nghìn tấn; mía đường 1,92 triệu tấn; thịt lợn hơi 162 nghìn tấn; thịt trâu, bò 37 nghìn tấn; thịt gia cầm 71 nghìn tấn; trứng gia cầm 300 triệu quả; sữa bò 55 nghìn tấn; tôm 15,3 nghìn tấn; ngao 18,5 nghìn tấn; hải sản khai thác xa bờ: 66 nghìn tấn; thủy sản nuôi biển 3,7 nghìn tấn...
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa đã và đang đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 40 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm, chủ yếu là các mặt hàng, như: đường, tinh bột sắn, dứa đóng hộp, ớt, lợn sữa, sữa, surimi, bột cá, ngao, hải sản đông lạnh…
Cùng với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, theo hướng an toàn, như vùng rau an toàn, cây ăn quả, cây công nghiệp phục vụ chế biến, nuôi trồng thủy sản, các cụm trang trại chăn nuôi tập trung,… diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tiếp tục mở rộng.
Đến nay, Thanh Hóa đã có 1.100 ha đất sản xuất các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP); gần 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; hơn 760 ha cây trồng được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; bước đầu đã hình thành một số mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các phong trào, mô hình, điển hình tốt về sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh, hình thành mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng - tiêu thụ, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa, Đơn giản hóa, Đồng bộ hóa, Chuyên nghiệp hóa và Xanh hóa.
Xã Bình Sơn ở huyện Triệu Sơn có hơn 350 ha chè, với hơn 400 hộ trồng, chế biến chè. Trước đây người dân địa phương vẫn sản xuất theo nếp cũ, sản phẩm không có tem nhãn, tiêu thụ thiếu ổn định và giá trị không cao. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã triển khai dự án trồng, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ... và thúc đẩy các hộ trồng chè trong vùng tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng. Hiện sản phẩm chè sạch Bình Sơn đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, ông Hoàng Ngọc Năm, ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân đã cùng các hộ chăn nuôi trên địa bàn liên kết thành lập Công ty Cổ phần nông nghiệp sạch Như Xuân. Qua đó, tổ chức lại sản xuất, cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, con giống, thức ăn chăn nuôi, tạo ra sản phẩm an toàn. Việc tiêu thụ sản phẩm vì thế cũng thuận lợi hơn. Mỗi tháng, công ty cung ứng ra thịt trường từ 40 - 50 tấn gà thịt.
Tại huyện Thiệu Hóa, để chuyển từ nền sản xuất nhỏ, lẻ lên sản xuất tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Thiệu Hóa đã xem tích tụ, tập trung đất đai vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu của sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có 360 ha mô hình tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp, trong đó có 169 ha sản xuất theo hướng công nghiệp cao;
Tính đến tháng 10/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng được 108 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên đia bàn toàn tỉnh, xác nhận cho 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được kiểm tra, giám sát, xác nhận và được ấp tem điện tử truy suất nguồn gốc, góp phần phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã xây dựng và duy trì được 44 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn tại các xã, thị trấn tham gia mô hình thí điểm an toàn thực phẩm, gồm lúa gạo, rau quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, trứng gia cầm. Đến nay, Thanh Hóa có 128 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản được chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó có 91 doanh nghiệp được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 37 doanh nghiệp được chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã chú trọng phát triển sản OCOP. Tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh có 236 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm nông sản an toàn của Thanh Hóa hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thiếu chặt chẽ, thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa và còn gặp nhiều khó khăn do giá bán cao hơn so với các nông sản, thực phẩm thông thường...
Để thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh, từ năm 2014 đến nay, hàng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn. Hội nghị năm nay được tổ chức từ ngày 4 - 8/11. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại sản xuất, chế biến, phân phối gặp gỡ, tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm gần hơn với người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Qua mỗi lần tổ chức hội nghị chúng tôi có thể ký kết các hợp đồng, hợp tác, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm sản xuất để hoàn thiện khâu sản xuất của chính doanh nghiệp mình và đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn. Hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn.
Để tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, đa dạng các loại sản phẩm và tăng sản lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, cùng với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn, trên cơ sở xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của địa phương, Thanh Hóa đang tiếp tục tập trung tích tụ đất đai, phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung; khuyến khích phát triển chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản gắn với phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Đa dạng hóa các kênh thương mại, phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Yến HoàngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.